Đó là khẳng định của ông Lê Minh Trí (Viện trưởng Viện KSND tối cao) tại buổi tiếp xúc cử tri Q.10, TP.HCM ngày 6-10. Cùng với ông Trí còn có ông Huỳnh Thành Đạt (Phó Giám đốc thường trực ĐHQG TP.HCM) và ông Phạm Phú Quốc (Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM) – Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 4.
Tại đây, cử tri Nguyễn Gia Tâm cho rằng: “Khoản 1 điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 (đang bị tạm hoãn thi hành) quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có điểm v – “Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác” và điểm x – “Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng”. Tôi đề nghị không áp dụng những tình tiết giảm nhẹ này đối với tội phạm tham nhũng. Thay vào đó, cần phải áp dụng tình tiết tăng nặng đối với những người này”.
Tiếp thu góp ý này, ông Lê Minh Trí cho biết cũng đã có nhiều ý kiến theo quan điểm: có công thì thưởng, có sai phải phạt; lúc có công đã được hưởng các chính sách nên khi sai phạm thì không thể yêu cầu lấy công trừ tội.
Không xử nhẹ đối với tội phạm tham nhũng cũng được nêu tại ý kiến của cử tri Hoàng Ngọc Thắng. Cử tri Thắng bức xúc, hiện Luật Phòng, chống tham nhũng vẫn chưa có tác dụng ngăn chặn, răn đe tội phạm tham nhũng, đề nghị khi sửa đổi luật này cần quy định thêm về việc xử lý cán bộ đã nghỉ hưu nhưng bị phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, không thể để những cá nhân này “hạ cánh an toàn”.
Cử tri Trần Úc tỏ ra bức xúc về tình trạng bồi thường án oan sai. Cử tri Úc cho rằng, người thi hành công vụ đã gây ra oan sai thì phải dùng tài sản của mình để bồi thường, không thể bắt Nhà nước phải trích ngân sách chi cho bồi thường như hiện nay vì đây là tiền thuế do người dân đóng góp.
Về vấn đề này, ông Lê Minh Trí giải thích Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước quy định người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại; ngoài ra còn tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Ông cũng thông tin thêm: Sắp tới sẽ có những vụ oan sai mà chính những người còn đang thực hiện vụ này phải trả giá, trong đó không chỉ xử lý trách nhiệm hành chính mà sẽ bị phạt tù đối với hành vi sai phạm. Cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao có trách nhiệm điều tra những vụ vi phạm các hoạt động tư pháp. “Hiện nay trung bình một năm chúng ta khởi tố và xử lý 50-70 vụ vi phạm pháp luật của các cơ quan thi hành pháp luật. Riêng về oan sai, dù chỉ một trường hợp cũng không thể chấp nhận được. Nhưng trong bộ máy xã hội rộng lớn thì ở các khâu, các lĩnh vực đều có sai sót. Chúng ta không bao che mà phải xử lý nghiêm khi phát hiện”, Viện trưởng Viện KSND tối cao khẳng định.
PV
Bình luận (0)