CEO tập đoàn Boeing tiết lộ tham vọng chế tạo tên lửa đưa người lên sao Hỏa đầu tiên, vượt qua công ty đối thủ SpaceX của tỷ phú Elon Musk.
Dennis Muilenburg, chủ tịch điều hành tập đoàn Boeing, chia sẻ kế hoạch trở thành hãng hàng không vũ trụ đầu tiên đưa người lên sao Hỏa, đánh bại đối thủ cạnh tranh là công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk, theo Bloomberg. "Tôi tin chắc người đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa sẽ du hành bằng tên lửa của Boeing", Muilenburg khẳng định ở hội thảo về tiến bộ công nghệ diễn ra tại Chicago, Mỹ, hôm 4/10.
Tên lửa SLS (trái) do Boeing hợp tác phát triển cùng NASA và tên lửa Falcon của SpaceX.
Trong hội thảo, Muilenburg tiết lộ sẽ tập trung vào thị trường du hành không gian với hàng chục điểm đến trên quỹ đạo Trái Đất và máy bay siêu thanh chở khách xuyên lục địa trong chưa đầy hai tiếng đồng hồ. Tương tự SpaceX, Boeing muốn đẩy mạnh thương mại hóa du lịch vũ trụ ở khoảng không gần Trái Đất, đồng thời phát triển công nghệ vươn tới những nơi xa hơn Mặt Trăng.
Tập đoàn hàng không vũ trụ có trụ sở ở Chicago đang hợp tác với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nhằm phát triển một tên lửa hạng nặng mang tên Space Launch System cho những chuyến thám hiểm đến các địa điểm xa xôi. Boeing từng chế tạo tầng thứ nhất của Saturn V, tên lửa mạnh nhất từ trước tới nay của Mỹ, giúp đưa người lên Mặt Trăng. Boeing và SpaceX cũng là những công ty tư nhân đầu tiên được NASA lựa chọn để đưa phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Hiện nay, Muilenburg đánh giá du lịch vũ trụ sẽ bùng nổ trong hai thập kỷ tới và trở thành thị trường khả thi về mặt thương mại. Trạm ISS có thể kết hợp với nhiều khách sạn trên quỹ đạo thấp của Trái Đất và những công ty chuyên sản xuất, nghiên cứu trong môi trường vi trọng lượng.
Theo Muilenburg, Boeing sẽ sản xuất tàu vũ trụ phục vụ kỷ nguyên du lịch mới. Ông cũng đánh giá cao tiềm năng của máy bay siêu thanh, có thể di chuyển ở tốc độ gấp ba lần vận tốc âm thanh. Muilenburg cho rằng chi phí du lịch không gian sẽ giảm đáng kể trước khi những chiếc tàu vũ trụ thử nghiệm có thể được cân nhắc sử dụng cho hoạt động thương mại.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)