Sau khi Bộ GD-ĐT công bố 14 đề thi minh họa, các trường THPT đã lên kế hoạch định hướng lại cách giảng dạy, ôn tập cho phù hợp với phương án thi mới.
Giờ học môn sinh tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM). Ảnh: A.K |
TP.HCM: Băn khoăn đề sẽ nằm trong giới hạn nào?
Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến đã có thay đổi ngay khi bộ công bố phương án kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ông Lê Hữu Khương (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết tất cả học sinh (HS) của trường đều được định hướng lựa chọn ban cơ bản nâng cao (gồm các môn tự nhiên) ngay từ khi vào lớp 10 nên khi có sự thay đổi của bộ, trường lập tức tăng tiết một số môn để phù hợp với yêu cầu của tổ hợp môn thi tự nhiên. Cụ thể, khối A thì tăng tiết cho môn sinh; khối A1 tăng tiết hai môn hóa, sinh; khối B tăng tiết cho môn lý. Đồng thời, trường cũng tổ chức cho HS làm thử các bài thi trắc nghiệm tương ứng với thời gian bộ công bố đề minh họa cho từng môn thi nhưng đã giảm bớt mức độ khó để các em tập làm quen với cách ra đề mới này. Tại Trường THPT Nguyễn Du, ngay sau ngày bộ công bố đề minh họa, các tổ chuyên môn đã họp để lên kế hoạch giảng dạy, ôn luyện cho HS theo mẫu đề minh họa để các em làm quen với đề thi trắc nghiệm. Ông Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết ngoài việc giúp HS làm quen với các đề thi trắc nghiệm, trường sẽ chú trọng việc dạy tích hợp, liên môn; tăng thực hành, ứng dụng thực tế để các em biết vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, xử lý tốt các tình huống đặt ra… Trong khi đó, bà Đào Thị Kim Nhi (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến) lại ái ngại vấn đề thời gian thi trắc nghiệm quá dài sẽ gây áp lực và ảnh hưởng đến tâm lý HS. Về phương án ứng phó, trường sẽ thực hiện việc thống kê nhu cầu của HS và căn cứ theo nhu cầu này để tổ chức các lớp ôn tập cho các em. Dù đã cho HS phân ban ngay từ khi kết thúc năm học lớp 11 nhưng trường cũng sẽ sắp xếp lại các lớp, xếp lại thời khóa biểu và tăng tiết một số môn cho các em ngay trong tháng 10.
Dù rất nôn nóng trong việc xây dựng các bộ đề thi trắc nghiệm cho HS song nhiều trường còn ngần ngại vì chưa biết với hình thức thi trắc nghiệm năm nay thì phạm vi ra đề sẽ nằm trong giới hạn nào. |
Ông Nguyễn Xuân Thảo (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến) khẳng định: Ngay kỳ kiểm tra giữa học kỳ 1 sắp tới, trường sẽ cho HS lớp 12 làm bài trắc nghiệm với tỷ lệ 50% và hết học kỳ 1 là 100%. Tương tự, ông Bùi Gia Hiếu (Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt) cũng cho hay, thời gian tới, trường sẽ tăng tiết môn GDCD, đồng thời từ từ lồng ghép nội dung thực tiễn, thực hành vào tiết học của các môn thi trắc nghiệm…
Dù rất nôn nóng trong việc xây dựng các bộ đề thi trắc nghiệm cho HS song nhiều trường còn ngần ngại vì chưa biết với hình thức thi trắc nghiệm năm nay thì phạm vi ra đề sẽ nằm trong giới hạn nào. Ông Nguyễn Văn Hiệp (Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Bình) nhìn nhận: hiện các tổ bộ môn chưa thể xây dựng các ngân hàng đề thi vì còn chờ đề cương giới hạn nội dung ôn tập các môn từ Bộ GD-ĐT. Hiện tại, các giáo viên bộ môn chủ yếu dạy theo chương trình, lồng ghép các nội dung thực tiễn vào bài giảng; đồng thời trấn an HS, nhắc nhở các em lưu ý các chi tiết nhỏ trong bài học vì bất cứ nội dung nào của bài học cũng có thể trở thành câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi.
Đà Nẵng: Dạy học bám sát cấu trúc đề minh họa
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố cấu trúc bộ đề minh họa, các trường THPT trên địa bàn đã họp tổ chuyên môn, triển khai kế hoạch dạy học bám sát chương trình kiến thức kỹ năng; cập nhật, xây dựng nguồn tư liệu ôn tập theo cấu trúc của đề minh họa nhằm giúp HS tiếp cận với phương án thi mới.
Thầy Nguyễn Huy Bính (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú) cho biết cùng với việc yêu cầu giáo viên dạy học theo chuẩn kiến thức của Bộ GD-ĐT, ngay sau có đề minh họa, nhà trường đã họp tổ chuyên môn, triển khai cho các tổ, các giáo viên có môn thi tốt nghiệp tập hợp các thông tin cần thiết, dạng đề thi trắc nghiệm để làm tư liệu cho HS ôn tập, làm quen thêm. Đồng thời, chuẩn bị tiến hành cho các em đăng ký tổ hợp môn thi tự chọn, và tự chọn giáo viên giảng dạy. Trên cơ sở đó nhà trường sẽ phân chia lớp ôn tập phù hợp với nhu cầu của các em. Tương tự, thầy Nguyễn Bá Hảo (Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ) cũng cho biết, ngoài chương trình dạy học theo chuẩn, nhà trường đã triển khai kế hoạch đến từng tổ bộ môn, yêu cầu các tổ xây dựng kế hoạch phù hợp với phương án thi. Phổ biến kế hoạch: các tiết kiểm tra 1 tiết của những môn thi tốt nghiệp sẽ ra đề theo hình thức trắc nghiệm dựa vào cấu trúc của đề minh họa để HS tập làm quen. Cho các em đăng ký tổ hợp môn, từ đó có phương án tăng cường phụ đạo thêm ngoài giờ học chính. Riêng với môn GDCD, lần đầu tiên đưa vào thi nên nhà trường đã lưu ý tổ bộ môn có kế hoạch cụ thể, bám sát chuẩn kỹ năng đồng thời nhấn vào những nội dung trắc nghiệm để giúp HS có kết quả học tập tốt.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh (Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng) cho hay, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường vẫn tổ chức hoạt động dạy – học đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Với bất kì hình thức thi nào thì khối lượng kiến thức và chương trình sách giáo khoa vẫn không thay đổi. Bên cạnh đó, sở cũng lưu ý đến các trường, trong quá trình dạy học và ôn tập, từ cách phân tích cấu trúc đề thi, kỹ thuật làm bài trắc nghiệm dựa theo cấu trúc đề minh họa, giáo viên cần phải chú ý hướng dẫn phương pháp tự học cho HS cũng như cách vận dụng các đơn vị kiến thức phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm, rèn kỹ năng làm bài trắc nghiệm cho các em…
Cần Thơ: Hướng dẫn HS kỹ năng nhận diện đề
TS. Nguyễn Phúc Tăng (Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Cần Thơ) cho hay: “Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường THPT điều chỉnh kế hoạch giảng dạy phù hợp năng lực HS. Giáo viên bộ môn tăng cường việc giúp các em hiểu vấn đề, kỹ năng phân tích đề, biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống của bài tập. Chúng tôi đã và đang tổ chức tập huấn kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm ra đề thi trắc nghiệm cho các giáo viên dạy môn toán, lịch sử, địa lý, GDCD… lớp 12”.
Dù thi như thế nào thì kiến thức chủ yếu vẫn trong chương trình lớp 12 nên các em cố gắng học đều sẽ có kết quả tốt. |
Thầy Châu Hùng Dũng (giáo viên dạy môn GDCD Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) chia sẻ: “Sau khi biết nội dung đề minh họa môn GDCD, tôi đã soạn lại giáo án để đáp ứng hình thức thi trắc nghiệm và hướng dẫn HS nắm kiến thức trọng tâm tất cả bài học trong chương trình. Theo tôi, đề minh họa môn GDCD của bộ rất hay, trong đó 1/3 là giải quyết tình huống trong cuộc sống nên khi dạy, ngoài nội dung sách giáo khoa, tôi mở rộng kiến thức, giúp các em làm quen và biết cách xử lý tình huống như vi phạm hành chính, hình sự, dân sự…”. Còn cô Nguyễn Thị Quý Tuyết (giáo viên môn địa lý, cùng trường thầy Dũng) phân tích: “Đề minh họa môn địa lý thoạt nhìn tưởng dễ nhưng chỉ HS giỏi mới có thể lấy điểm cao. Đề có phần tái hiện kiến thức, vận dụng thấp và vận dụng cao. Để giúp HS học và làm bài tốt thầy cô phải đảm bảo dạy đều chương trình, mở rộng kiến thức, giúp các em kỹ năng phân tích và hiểu vấn đề, chẳng hạn câu: “Tại sao đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước nhưng đồng bằng sông Hồng có trình độ thâm canh cao?”. Đặc biệt, phải hướng dẫn HS kỹ năng nhận diện được từ khóa trong câu hỏi, chẳng hạn câu “đặc điểm nhiệt đới của Việt Nam”, đây cũng là dạng câu hỏi nhiễu chỉ HS thật sự hiểu mới làm được…”.
ThS. Nguyễn Anh Hoàng (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho biết trường đã kiểm tra, phân loại trình độ HS lớp 12 và báo cho phụ huynh biết, tổ chức phụ đạo những em học lực trung bình yếu vào một số buổi tối trong tuần. Các giáo viên dạy và ôn tập cho HS theo kiểu cuốn chiếu… Riêng môn toán, tập trung dạy HS nắm vững lý thuyết và kỹ năng giải đề nhanh. “Trước hết phải hướng dẫn HS năng lực nhận diện đề, có những câu nếu sử dụng máy tính tốt thì chưa đến 1 phút đã làm xong, như tính giá trị lớn nhất, nhỏ nhất. Về hệ phương trình thì cần khoảng 2 phút. Hoặc dùng phương pháp loại suy, như câu +, – đồ thị hàm bậc 3…”, ông Hoàng nói.
Đặc biệt, một số trường như THPT Phan Ngọc Hiển thì tổ chức đối thoại với HS lớp 12 để kiểm tra các em có hiểu đúng về quy chế thi? Còn khó khăn gì cần nhà trường, thầy cô giúp đỡ? ThS. Lê Như Nguyền (Phó Hiệu trưởng nhà trường) trao đổi: “Ban Giám hiệu chỉ đạo các thầy cô động viên, giải thích để HS không hoang mang, đặt niềm tin vào thầy cô. Nhấn mạnh để các em hiểu: Dù thi như thế nào thì kiến thức chủ yếu vẫn trong chương trình lớp 12 nên các em cố gắng học đều sẽ có kết quả tốt”.
N.Anh – V.Yên – Đ.Phượng
Bình luận (0)