Sự phá phách, không tuân thủ cha mẹ là điều thường nhận thấy ở trẻ. Không ít phụ huynh thường xuyên phàn nàn về chứng trái tính trái nết của các cậu ấm, cô chiêu, làm cha mẹ phiền lòng.
Ảnh minh họa. Ảnh: I.T
Ở một số gia đình, cha mẹ là người thành đạt trên nhiều lĩnh vực nên họ thường xuyên đặt ra yêu cầu cao cho trẻ, vì thế những đứa trẻ lớn lên luôn phải chấp hành những mệnh lệnh của người lớn. Họ thường không chấp nhận những sai sót của trẻ và sẵn sàng làm thay cho trẻ để có được kết quả tốt hơn. Chị Hoàng Vân (Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ: “Con gái chị học lớp 8 nhưng luôn tỏ ra vụng về, không biết nấu cơm, giặt giũ. Làm việc gì cũng sai sót, mỗi lần nhìn cháu làm tôi thấy ngứa ngáy nên tự mình làm luôn cho rồi”. Tương tự anh Thanh (Thủ Đức, TP.HCM) phân trần: “Tôi có duy nhất đứa con trai nên từ bé mọi người trong gia đình luôn lo lắng cho cháu. Cháu học hành quá vất vả rồi nên các công việc khác cha mẹ thường làm thay cháu. Mỗi lần cháu dọn dẹp nhà cửa là tôi thấy cháu tội làm sao, thôi thì cha mẹ ráng thêm một chút để con được nghỉ ngơi vui chơi, sau này lớn lên thì cháu sẽ biết, đâu có sợ muộn màng gì”.
Tâm lý của không ít cha mẹ vì muốn bảo bọc, nuông chiều con cái nên họ thường không muốn con mình phải vất vả, đụng tay, đụng chân vào bất cứ việc gì. Vì thế, họ đã lấy mất cơ hội để con cái trải nghiệm và thử thách. Họ cảm thấy xót xa khi con gặp sai lầm, thất bại. Họ cảm thấy trách nhiệm là cha mẹ phải là người chăm sóc con chu đáo. Đặc biệt, một số cha mẹ làm ăn xa mà ít có điều kiện chăm sóc con nên khi có điều kiện họ thường có tâm lý bù đắp, sẵn sàng cho con bất cứ điều gì mà con mong muốn. Vì thế khi được thỏa mãn nhu cầu một cách dễ dàng khiến trẻ càng không cảm nhận được giá trị, bởi đó không phải là thành quả của sự phấn đấu mệt mỏi ở trẻ mà là của người lớn. Bên cạnh đó những cha mẹ nghiêm khắc thì có biểu hiện đòi hỏi rất cao ở con cái, họ không chấp nhận sự sai sót và do đó họ cũng sẵn sàng làm hộ con vì không tin tưởng chúng.
Chỉ có trải qua thất bại thì mới đạt được những thành công nhất định. Thất bại cũng chính là chìa khóa mở ra cho sự thành công. Bởi mỗi lần thất bại, trẻ bao giờ cũng rút ra bài học, kinh nghiệm, khắc phục những sai lầm để hoàn thiện hơn ở những lần sau. Trong học tập, cha mẹ cũng phải thường xuyên cho con cơ hội để trẻ tìm ra cách thức học tập phù hợp với tâm sinh lý của trẻ, trong lựa chọn môn học thì cha mẹ cũng cần tôn trọng sở thích của con chứ không nên miễn cưỡng bắt con phải tuân thủ máy móc theo môn học mà cha mẹ yêu cầu. Trong lao động trẻ có thể lựa chọn các công việc trẻ ưa thích mà người lớn nên phải chấp nhận mặc dù họ cảm thấy công việc đó không đâu vào đâu nhưng đó lại là niềm vui của trẻ. Trong vui chơi, người lớn cũng tôn trọng trẻ, bởi chính thông qua trò chơi sẽ kích thích nhiều ý tưởng sáng tạo và giúp trẻ có cơ hội khám phá. Trong các mối quan hệ, cha mẹ cũng nên tạo điều kiện để trẻ có thể tham gia nhiều mối quan hệ đa dạng. Hãy gạt bỏ tâm lý chọn bạn giỏi để chơi mà không chơi với các bạn còn thua kém mình. Bởi thực tế, mỗi đứa trẻ đều có ưu thế nhất định, bạn không giỏi về chuyện học nhưng lại rất sẵn sàng giúp đỡ bạn bè; bạn không giỏi bằng mình môn học này, thì bạn sẽ khéo léo hơn mình một lĩnh vực khác.
Có thể nói, thất bại là “quyền của trẻ”, không trải qua những lần thất bại thì khó có thể đạt được sự linh hoạt, sáng tạo, tức là trẻ cũng khó mà đạt được các kỹ năng trong cuộc sống, khó mà thành công sau này. Hãy cho con được phép thất bại, đó là khoa học, là nghệ thuật về cách ứng xử của người lớn với con trẻ.
Nguyễn Văn Công
(Giảng viên tâm lý)
Bình luận (0)