Uống một, hai ly rượu vang đỏ có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe, nhưng nếu uống quá nhiều có thể gây hại.
Tác hại của rượu
Rượu có thể làm suy giảm khả năng đưa ra quyết định và kỹ năng vận động. Rượu cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các tai nạn xe cộ, hành vi bạo lực, mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Uống rượu quá mức có thể gây chết người do ngộ độc rượu. Ngộ độc rượu làm suy yếu cơ thể và cuối cùng có thể phong tỏa các khu vực của não điều khiển các chức năng hỗ trợ sự sống cơ bản như hơi thở, nhịp tim…
Uống rượu bao nhiêu được xem là nhiều? Đó là khi phụ nữ tiêu thụ 8 ly hoặc nhiều hơn và đàn ông trên 16 ly mỗi tuần. Riêng đối với phụ nữ mang thai, không bao giờ là an toàn để uống rượu do nguy cơ truyền nhiễm độc rượu thông qua nhau thai có thể khiến thai nhi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các triệu chứng ngộ độc rượu
Một số dấu hiệu thường gặp nhất khi bị ngộ độc rượu là mất sự phối hợp các cơ quan trong cơ thể, người lạnh, tay chân mềm oặt, da xanh do hạ thân nhiệt, ói mửa liên tục, không kiểm soát được hơi thở hoặc thở chậm (thở ít hơn 8 hơi/mỗi phút), động kinh, bất tỉnh, sững sờ (hoặc có ý thức nhưng không phản ứng được) và đôi khi hôn mê.
Thường thì phụ nữ dễ bị ngộ độc rượu hơn nam giới và sức khỏe cũng ảnh hưởng lâu dài hơn nam giới. Điều này có thể do khả năng làm loãng rượu của phụ nữ yếu hơn nam giới (bởi hàm lượng nước trong cơ thể họ thấp hơn). Trung bình lượng nước trong cơ thể đàn ông chiếm đến 61%, trong khi đó phụ nữ chỉ có 52%. Ngoài ra, khả năng chuyển hóa rượu của phụ nữ cũng kém vì họ có ít dehydrogenase – một enzyme gan có tác dụng phá vỡ rượu trong cơ thể. Bên cạnh đó, thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ kinh nguyệt cũng có xu hướng làm cho phụ nữ dễ say hơn so với những ngày trước khi hành kinh. Hơn nữa, thuốc tránh thai và các thuốc có chứa estrogen khác, cũng là tác nhân làm chậm sự bài tiết rượu ra khỏi cơ thể.
Phản ứng của cơ thể với rượu
Theo Mercola, nồng độ cồn trong máu cao có thể cao gấp 3 lần ở những người uống rượu với một dạ dày trống rỗng so với những người đã ăn no trước khi uống. Thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ rượu của cơ thể, do thực phẩm có thể làm loãng rượu khi vào ruột non – nơi rượu được hấp thụ. Riêng với người bị tiểu đường nên cảnh giác với rượu vì rượu có thể gây biến chứng bất ngờ. Uống rượu có thể ngăn chặn tác dụng của các loại thuốc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, rượu còn làm tổn hại đến các bộ phận khác trong cơ thể như:
Gan. Mỗi giờ gan chỉ có thể giải độc cho 1 ly rượu, nếu bạn uống quá nhiều đồng nghĩa với việc hệ thống gan sẽ phải làm việc suốt đêm. Điều đó làm tổn thương nghiêm trọng tới gan.
Bao tử. Thức uống chứa cồn gây kích ứng dạ dày. Đây là lý do tại sao khi uống rượu quá nhiều, dạ dày bị kích thích liên tục, gây cảm giác khó chịu trong người. Trong một số trường hợp, buồn nôn hoặc nôn có thể là nguyên nhân từ dạ dày.
Tim mạch và hệ thống tuần hoàn. Sau khi uống vài ly rượu, nhịp tim sẽ đập nhanh hơn hoặc không đều. Điều này có thể xảy ra nhiều ở những người không thường xuyên uống rượu vì hệ thống chưa quen với nồng độ cồn trong rượu. Rượu làm giãn các mạch máu, khiến cơ thể nóng bừng và bạn sẽ có cảm giác lâng lâng, bay bổng.
Đầu. Say rượu là một trong những nguyên nhân gây mất nước. Uống nhiều rượu làm rối loạn quá trình sản xuất vasopressin, một loại hormone kiểm soát cân bằng chất lỏng, do đó sẽ khiến bạn phải đi vệ sinh nhiều lần trong đêm, và hậu quả là gây ra chứng đau đầu vào ngày hôm sau. Rượu cũng ảnh hưởng đến cytokine, chất trung gian và điều hòa miễn dịch bẩm sinh, kích hoạt tình trạng viêm cấp tính làm đau đầu và một số cơ quan khác.
Ngọc Khuê (TNO)
Bình luận (0)