Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

“Mất mùa” tuyển sinh, lo tinh giản đội ngũ

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa tuyển sinh 2016 sắp kết thúc. Tình trạng chung vẫn là tuyển sinh tiếp tục khó khăn. Do đó, các trường bắt đầu tính đến bài toán tinh giản đội ngũ.

Thí sinh đang làm hồ sơ nhập học. Ảnh: M.Tâm

Tuyển không đủ chỉ tiêu

Ngày 20-10, các trường ĐH chính thức chốt sổ tuyển sinh 2016. Nhưng từ trước đó, nhiều trường đã dừng xét tuyển dù vẫn chưa đủ chỉ tiêu. Ông Đoàn Quang Vinh (Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng) cho biết, kết quả tuyển sinh năm 2016 của các trường ĐH, CĐ thành viên ĐH Đà Nẵng có sự khác nhau. Cụ thể, Trường ĐH Ngoại ngữ đạt tỷ lệ tới 98,8% (cao nhất ĐH Đà Nẵng), kế đến là Trường ĐH Kinh tế 91,2%, Trường ĐH Bách khoa 86,2%, Trường ĐH Sư phạm 76,8%. Hai trường CĐ trực thuộc ĐH Đà Nẵng cũng là hai bức tranh khác nhau. Trong khi Trường CĐ Công nghệ tuyển sinh đạt 69,5% thì Trường CĐ Công nghệ thông tin chỉ đạt 21,9%.

Theo ông Vinh, việc các trường gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến lý do chính là do số lượng học sinh THPT tốt nghiệp đột biến giảm mạnh trong năm nay. 

GS. Đặng Kim Vui (Giám đốc ĐH Thái Nguyên) cũng cho biết các trường thành viên của ĐH này năm nay “mất mùa” so với năm 2015. Nếu như năm trước, kết thúc mùa tuyển sinh, ĐH Thái Nguyên tuyển đạt 90% chỉ tiêu thì năm nay chỉ đạt gần 70%. Tương tự, các trường ĐH ngoài công lập cũng đang “vật lộn” với bài toán tuyển sinh. Ông Phan Trọng Phức (Hiệu trưởng ĐH Đại Nam) cho hay, trường tuyển được hơn 600 thí sinh trong tổng số 1.200 chỉ tiêu. Tuy nhiên, theo ông Phức, dù hệ ĐH chính quy chỉ tuyển đạt gần 60% nhưng trường vẫn “cầm cự” được vì còn có các hệ đào tạo khác như sau ĐH. “Các ngành liên quan đến kinh tế như tài chính ngân hàng, kế toán đã bão hòa. Trong thời gian tới, trường sẽ mở thêm các ngành đào tạo mới mà nhu cầu xã hội đang cần. Đây cũng là một hướng đi để giải quyết vấn đề khó khăn trong tuyển sinh”, ông Phức khẳng định.

Lý giải về những khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường ĐH, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng do thí sinh không muốn học ĐH. Các em đã lựa chọn những con đường khác để đi. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng.

Sẽ giảm đội ngũ giảng viên

Một trong những hệ quả của việc không tuyển đủ chỉ tiêu chính là đội ngũ giảng viên không có sinh viên để dạy. GS. Đặng Kim Vui cho biết, tổng số giảng viên của ĐH Thái Nguyên là hơn 3.000 người. Trong đó, có 2.700 giảng viên thuộc biên chế (chiếm khoảng 70%), còn lại hợp đồng. “Thời gian vừa qua, do tăng trưởng về tuyển sinh nên các trường trực thuộc có tuyển giảng viên hợp đồng tương đối nhiều. Do đó, sẽ có hai hướng: Thứ nhất là đối với những giảng viên đủ điều kiện thì sẽ cho đi học tiếp. Còn những người không đủ tiêu chuẩn thì sẽ giảm biên”, ông Vui cho hay. Đồng quan điểm này, PGS. Vũ Văn Hóa (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ) nói: “Do Thông tư 57 của Bộ GD-ĐT quy định về điều kiện xác định chỉ tiêu nên đến giờ, đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường quá lớn, lên đến 1.100 người. Trong khi đó, tuyển sinh ngày càng khó khăn, số lượng sinh viên ngày càng giảm nên có sự dôi dư. Đây là một vấn đề đặt ra đối với nhà trường. Biết giảm ai bây giờ? Không chỉ là chuyện công việc mà còn là tình người…”.

Trong khi đó, ông Đoàn Quang Vinh cho hay: “Về nhân lực, ĐH Đà Nẵng sử dụng nguồn nhân lực dùng chung giữa các trường thành viên nên không gặp khó khăn về nhân lực khi các trường không tuyển đủ chỉ tiêu”.

Thiên Lam

Bình luận (0)