So với xe buýt thường, xe buýt 2 tầng có nhiều ưu thế hơn do có thể chuyên chở được gấp đôi số lượng khách, giảm bớt mật độ lưu thông, ít tốn nhiên liệu hơn… Do đó, TP.HCM đã đưa vào sử dụng trong nhiều năm nay và Hà Nội cũng có ý kiến đề xuất sử dụng loại phương tiện này, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận tải hành khách công cộng trong thời gian sắp tới.
Xe buýt 2 tầng chạy tuyến ĐH Nông Lâm TP.HCM – Bến xe Chợ Lớn. Ảnh: B.V |
Hà Nội: “Không tăng được xe thì nên sử dụng xe buýt 2 tầng”
Đó là đề xuất của một số chuyên gia tại Hội thảo Nâng cao chất lượng và phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt ở Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 ở Hà Nội vừa qua. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý & Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, thị phần vận chuyển hành khách xe buýt đang chững lại và có dấu hiệu giảm dần. Nguyên nhân do không đáp ứng được thời gian di chuyển cũng như nhu cầu của hành khách ngày càng cao hơn. Thêm vào đó, thời gian qua còn xuất hiện thêm các loại hình VTHKCC khác như: Uber taxi, Grab taxi, Grab bike… với giá thành thấp, chất lượng dịch vụ khá tốt khiến cho người dân không còn “ưu tiên” xe buýt như trước. Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh của ô tô con lên đến 16%/năm, trong khi xe buýt chỉ đạt 1,8%/năm càng gây nên sự mất cân đối về hạ tầng cho xe buýt.
Mặt khác, tình trạng thiếu điểm dừng chờ xe buýt kể cả ở trung tâm thành phố khiến hành khách phải đội mưa dãi nắng để chờ xe cũng ảnh hưởng phần nào đến lựa chọn sử dụng xe buýt truyền thống. Được biết, trong số 1.900 điểm dừng chỉ có 340 điểm có nhà chờ. Ông Hải và một số chuyên gia cũng lưu ý đã đến lúc TP phải thay thế xe buýt cũ, đầu tư thêm nhà chờ xe buýt, sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong vận hành để vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa bảo vệ môi trường vừa nhằm nâng cao thị phần VTHKCC của xe buýt thủ đô.
Chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng xe buýt 2 tầng là phương tiện rất lợi thế và hoạt động hiệu quả trên những tuyến đường dài của thành phố. Còn đối với những tuyến đường ngắn nên sử dụng xe buýt thường và xe buýt nhỏ, thậm chí nên có xe điện 6-8 chỗ chạy trên các tuyến đường nhỏ. Có như vậy hoạt động VTHKCC mới thực sự hiệu quả, ngày càng thu hút người dân tham gia như mục tiêu mà mô hình này hằng mong muốn. |
Tuy nhiên, một cái khó nữa khiến xe buýt khó phát triển là do hạn chế về hạ tầng, chưa có làn đường dành riêng cho xe buýt trong khi Hà Nội có đến 96 tuyến xe buýt. Do đó, bàn về giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt tại Hà Nội, tiến sĩ Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia đưa ra ý kiến: “Nếu không thể tăng số lượng xe thì còn cách là đưa xe 2 tầng vào hoạt động”. Được biết, Hà Nội hiện có 550.000 ô tô, trên 20.000 xe taxi, trên 5 triệu xe máy nhưng xe buýt công cộng chỉ chưa đến 1.500 xe. Trước tình trạng mật độ xe đông đúc, hạ tầng thiếu, không thể tăng thêm xe, tiến sĩ Minh cho rằng việc nghiên cứu đưa xe buýt 2 tầng vào phục vụ là hợp lý. Vì xe buýt 2 tầng vừa giảm mật độ xe buýt lưu thông, vừa tăng về chất lượng phục vụ.
TP.HCM: Cần thêm xe buýt 2 tầng để giảm bớt mật độ lưu thông
Tại TP.HCM, xe buýt 2 tầng đã được đưa vào sử dụng từ tháng 12-2005, hoạt động trên tuyến số 6 (Bến xe Chợ Lớn – ĐH Nông Lâm), mỗi xe trị giá hơn 1,8 tỉ đồng, do Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM làm chủ sở hữu. Đến nay, xe buýt 2 tầng vẫn hoạt động tốt, chủ yếu đưa đón khách vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, tần suất hoạt động có vẻ như vẫn chưa giải quyết hết được tình trạng hành khách phải đứng vì thiếu chỗ ngồi.
Theo thị sát của người viết, vào khoảng từ 17 giờ 30 đến 18 giờ 30 chiều ngày 14-10, nhiều chiếc xe buýt số 6 như 53N-4332, 53N-4337, 53N-3792… lưu thông trên đường Võ Văn Tần (là cung đường có xe buýt 2 tầng hoạt động) hầu như xe nào cũng chật như nêm, nhiều người phải đứng ở lối đi lại vì không còn chỗ ngồi. Em Vũ Nguyễn Minh Uyên, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM cho biết, “mỗi lần tan trường em chỉ mong lên được chiếc xe buýt 2 tầng, chứ đi xe buýt thường thì thường phải đứng, vì những sinh viên từ ĐH Nông Lâm (Thủ Đức – đầu tuyến) về còn đứng thì người lên xe giữa tuyến như em làm sao có chỗ ngồi”.
Trong khi TP.HCM vẫn còn xe buýt cũ hoạt động, các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm thích hợp để đầu tư xe mới, trong đó có xe buýt 2 tầng để giảm tải cho giao thông vốn đã quá đông đúc. Theo ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM, trên những tuyến đông khách nếu được tăng cường xe buýt 2 tầng sẽ góp phần giảm bớt mật độ xe buýt lưu thông, vì xe buýt 2 tầng có thể chở số lượng khách nhiều gấp đôi xe buýt thường (tối đa 150 hành khách). Tại các tuyến đông khách hiện nay, phải bố trí xe buýt thường chạy 400 chuyến/ngày, thì xe buýt 2 tầng chỉ cần khoảng 250 chuyến/ngày là đủ. Tương tự, nếu đầu tư 40 xe buýt thường thì với xe buýt 2 tầng chỉ cần 25 chiếc là đủ. Đặc biệt, xe buýt 2 tầng còn tiết kiệm chi phí so với xe buýt thường. Chẳng hạn như với chiều dài tuyến hoạt động khoảng 30km, xe buýt thường tốn 10 lít dầu thì xe buýt 2 tầng chỉ tốn 14 lít dầu nhưng lại có sức chở gấp đôi.
Vũ Phương
Bình luận (0)