Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giúp trẻ nhận diện và vượt qua áp lực

Tạp Chí Giáo Dục

Trước nhịp sống hối hả hiện nay, ai trong chúng ta cũng đã, đang và sẽ đối diện với những áp lực, cả hữu hình lẫn vô hình. Nhưng có lẽ, trẻ nhỏ là đối tượng bị áp lực chi phối nhiều nhất, bởi trải nghiệm cuộc sống chưa nhiều, chưa được trang bị đầy đủ những kỹ năng vượt qua áp lực. Thế nên, trong quá trình giảng dạy kỹ năng mềm, giáo viên rất cần lồng ghép các nội dung, hoạt động giúp trẻ nhận diện và tìm ra phương án thoát khỏi áp lực, tránh dẫn đến tình trạng trầm cảm.

Các chủ đề về áp lực, nguyên nhân gây ra áp lực, hệ lụy mà nó gây ra và những biện pháp giải quyết, có thể được triển khai khi chúng ta hướng dẫn trẻ các kỹ năng như: thuyết trình, làm việc nhóm, khám phá bản thân, hay làm chủ cảm xúc… Trẻ sẽ cùng thảo luận, chia sẻ những trải nghiệm của bản thân đã từng trải qua khi đứng trước áp lực. Ngoài ra, trẻ cũng có thể tìm hiểu những thông tin về tình trạng bị áp lực chi phối thông qua các kênh tìm kiếm, tài liệu tham khảo. Các hoạt động này sẽ tăng cường nhận thức của trẻ về tác hại của áp lực trong cuộc sống. Đồng thời giúp trẻ ý thức đến thái độ sống chia sẻ, thấu cảm với những người xung quanh.

Với việc lấy áp lực là chủ đề để thực hành giảng dạy các kỹ năng, chúng ta có dịp lắng nghe tâm tư nguyện vọng của trẻ. Theo đó, trẻ hoàn toàn có quyền phát đi những thông điệp cá nhân hoặc nhóm mà bấy lâu không biết chia sẻ cùng ai. Trẻ hoàn toàn có quyền được cất lên tiếng nói, phản hồi về những hoàn cảnh mà bản thân đang vướng mắc, cần sự thấu cảm, chia sẻ của những người xung quanh. Thông qua việc nhận diện các áp lực cũng như gửi gắm đến các em thông điệp đừng tạo ra áp lực cho người khác, trở thành tác giả của những áp lực không đáng có.

Ngoài ra, giáo viên cũng cần chú ý không để trẻ rơi vào cảm xúc tiêu cực khi trình bày về áp lực. Hãy giúp trẻ tránh rơi vào trạng thái bí bách, ngột ngạt, bi lụy. Nói về áp lực rồi lại cảm thấy thêm sợ hãi, muốn trốn tránh. Nhìn thẳng vào vấn đề và tìm cách giải quyết mới là phương án tốt nhất khi đối diện với áp lực.

Trn Xuân Tiến

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)