Năm 2017, lần đầu tiên thí sinh thi THPT quốc gia các môn: toán, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân thi theo hình thức trắc nghiệm.
Theo các giáo viên, cách học để tiếp nhận kiến thức đáp ứng với kỳ thi cũng cần phải thay đổi.
Thủ thuật tính toán nhanh
Ông Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), cho rằng trắc nghiệm đòi hỏi học sinh (HS) phải có thủ thuật tính toán nhanh, kiến thức phải rộng, bao quát chứ không thể “tủ” được. Người học phải thận trọng tất cả các kiến thức trong sách giáo khoa (SGK), trước đây tự luận chỉ chú trọng đến kiến thức lớn thì giờ HS phải chú ý các tiểu tiết. Kiến thức càng chi tiết bao nhiêu thì càng có kết quả chính xác bấy nhiêu.
Nhiều năm nay, HS không chú ý đến việc sử dụng máy tính bỏ túi, các phép toán trong máy tính. Thế nhưng, sắp tới, với hình thức thi này thì các ứng dụng của máy tính bỏ túi (được Bộ cho phép sử dụng) sẽ là con đường tìm ra kết quả nhanh nhất qua một vài thao tác bấm máy mà không cần giải từng bước để tìm ra kết quả.
Ví dụ, với đề bài tính nguyên hàm của một hàm số, nếu làm bài theo hình thức tự luận thì HS phải làm từng bước. Còn nếu làm theo hình thức trắc nghiệm thì trong máy tính có sẵn 4 phương án, chỉ cần làm bước đạo hàm tìm ra kết quả.
Nắm tổng thể trước khi vào chi tiết
Giáo viên Huỳnh Thanh Long, Trường THPT Marie Curie, hướng dẫn trong quá trình học môn địa lý, ngay từ thời điểm này, HS nên lần lượt thực hiện các bước: Nắm vững kiến thức cơ bản của lớp 12 (đặc biệt là cơ sở địa lý kinh tế và các khái niệm nếu có), nắm vững trọng tâm từng bài, lập được sơ đồ tư duy khi học tập. Điều cần chú ý là HS cần nắm tổng thể trước sau đó mới đi vào chi tiết.
Do thi trắc nghiệm nên kỹ năng vẽ biểu đồ không được đề cập đến vì vậy HS cần lưu ý kỹ năng nhận ra được kiểu biểu đồ cần vẽ khi có bảng số liệu, nhận xét ý nghĩa của từng loại biểu đồ…
Đồng thời HS cần lưu ý đọc Atlat sẽ là phần mất nhiều thời gian nên quá trình đọc này cần được rèn luyện nhiều để có thể trở thành kỹ năng giúp xác định nhanh phương hướng, phân biệt được các miền tự nhiên, các vùng kinh tế, nắm vững ký hiệu, bảng chú giải…
Tham khảo sách báo, tài liệu
Cô Vũ Thị Bích Thúy, Tổ trưởng tổ giáo dục công dân Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), chia sẻ: “HS chuẩn bị tâm thế làm bài trắc nghiệm trong đó kiến thức trải dài từ đầu đến cuối chương trình SGK lớp 12. Như vậy, trên lớp, các em phải nghe giảng thật kỹ, tập giải quyết các tình huống. Ngoài ra, khi giáo viên nêu tình huống, chia nhóm thì mỗi HS cần có sự nhanh nhẹn, năng động thảo luận, tranh luận để nhớ kiến thức lâu”.
Từ đề thi minh họa cho thấy, có một số câu hỏi về kiến thức pháp luật cần phải học thuộc bài mới làm đúng.
Là môn thi lần đầu tiên được đưa vào kỳ thi nhưng HS không quan tâm nên cô Thúy cho rằng mỗi HS nên sắm một cuốn sổ tay ghi lại những đều mình học, đọc, thấy qua sách vở, thực tế, xã hội. Gặp những sự việc, quan điểm chưa hiểu phải hỏi ngay giáo viên, tránh trường hợp không biết đúng hay sai.
Bên cạnh đó, HS đừng quên tham khảo sách báo, tư liệu pháp luật, chẳng hạn như các câu hỏi, chuyên mục hỏi đáp pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên internet…
Không đặt trọng tâm vào nội dung nào
Ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh), cho hay HS phải nắm hết kiến thức của lớp 12, không thể trọng tâm bất cứ nội dung nào vì đề không lấy phần này, bỏ phần kia mà lấy mỗi phần một chút. Với môn lịch sử, không học theo kiểu thuộc lòng mà chỉ cần học, hiểu, nắm ý chính, điểm trọng yếu của kiến thức để đọc lời dẫn sẽ tìm ra câu trả lời hợp lý.
Cách học mà HS nên tham khảo đó là hệ thống kiến thức lớp 12 sau đó mới đi vào các điểm chi tiết. Chẳng hạn ở phần lịch sử thế giới có 6 chương với 10 bài kiến thức và một bài tổng hợp, còn phần lịch sử VN có 5 chương với 15 bài, sau đó mới phát triển cụ thể mỗi bài là gì, nội dung như thế nào. HS nên học theo hình thức này vì nếu cứ học từ bài này qua bài khác rất dễ nhầm lẫn kiến thức.
Bích Thanh (TNO)
Bình luận (0)