Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phó Thống đốc: Không xem nhẹ xu hướng tội phạm công nghệ cao

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm công nghệ xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng khiến dư luận bất an. Hiện tại, nhiều vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra nhưng việc quản lý và kiểm soát rủi ro trong hoạt động thanh toán nói chung và thanh toán điện tử nói riêng đã và đang được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo sát sao. 

Những chia sẻ dưới đây của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam sẽ làm rõ hơn vấn đề này.

– Thưa Phó Thống đốc, thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp rủi ro liên quan đến các dịch vụ ngân hàng, cụ thể là tội phạm công nghệ. Ông có nhận định gì về thực tế này?

– Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh: Thời gian qua, cùng với xu thế phát triển mạnh mẽ của các phương thức thanh toán điện tử thông qua mạng Internet và mạng điện thoại di động trên thế giới, hoạt động thanh toán tại Việt Nam cũng đã có những bước phát triển vượt bậc với hàng loạt các loại hình dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mới ra đời, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, tiệm cận với công nghệ thanh toán trong khu vực và trên thế giới.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông, các phương thức thanh toán đã thay đổi nhanh chóng và đa dạng, từ thanh toán tiền mặt là chủ yếu sang các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt truyền thống hiện diện dưới hình thức vật chất (như séc, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu…). Thanh toán điện tử và thanh toán thẻ ngân hàng nay đã chuyển qua các phương thức thanh toán hiện đại sử dụng hoàn toàn công nghệ tồn tại trên môi trường mạng như ví điện tử, Internet banking, mobile banking hay thẻ phi vật lý…

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vượt bậc như nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm chi phí, các dịch vụ thanh toán điện tử hay thanh toán thẻ nói chung cũng tiềm ẩn rủi ro cho ngân hàng và cho khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ khi phải đối mặt với các loại hình tội phạm công nghệ cao cùng phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Có thể nói rằng, hiện nay tấn công mạng đã trở thành vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu và là mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới. Hệ thống tài chính, ngân hàng mà xương sống là hệ thống thanh toán là rất quan trọng và nhạy cảm của nền kinh tế, đã và đang là đích ngắm hàng đầu của các đối tượng phạm tội công nghệ cao trên toàn thế giới; trong đó có cả ở Việt Nam.

Qua theo dõi, giám sát hoạt động thanh toán điện tử và thanh toán thẻ trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhận thấy các sự cố rủi ro và gian lận với phương thức và thủ đoạn mới xuất hiện tại Việt Nam. Nếu như trước đây, các vụ việc gian lận phát sinh chủ yếu đối với thẻ quốc tế và đối tượng tội phạm người nước ngoài thì hiện nay các vụ việc gian lận đã chuyển hướng sang cả đối với thẻ nội địa và hệ thống ATM/POS tại Việt Nam.

Tuy nhiên, qua thống kê, đánh giá và so sánh với các nước trên thế giới có thể thấy rằng hệ thống thanh toán của Việt Nam hiện nay vẫn được đảm bảo an toàn, với số lượng, tỷ lệ sự cố và vụ việc gian lận xảy ra ít, chỉ là hy hữu. Tuy vậy, chúng ta không được chủ quan, không được xem nhẹ, không được lơ là với tình hình và xu hướng tội phạm công nghệ cao như hiện nay. Với tinh thần cầu thị và phục vụ, mục tiêu được Ngân hàng Nhà nước đặt ra là xây dựng và hoàn thiện một hệ thống thanh toán có tỷ lệ an toàn cao nhất, bảo vệ tài sản và đảm bảo quyền lợi của khách hàng tốt nhất.

– Vậy Ngân hàng Nhà nước có chiến lược gì để đảm bảo an ninh toàn hệ thống, thưa Phó Thống đốc?

– Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh: Việc quản lý và kiểm soát rủi ro trong hoạt động thanh toán nói chung và thanh toán điện tử nói riêng đã và đang được Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo sát sao cùng với sự tuân thủ, phối hợp chặt chẽ của các ngân hàng thương mại, các tổ chức thẻ quốc tế, công ty chuyển mạch thẻ, các tổ chức trung gian thanh toán và các bên có liên quan.

Tuy nhiên, trên thực tế các sự cố rủi ro, gian lận trong thanh toán nói chung, thanh toán điện tử và thanh toán thẻ nói riêng vẫn xảy ra cho dù các ngân hàng hay các tổ chức trung gian thanh toán có áp dụng mọi giải pháp bảo mật tiên tiến nhất. Các đối tượng phạm tội luôn liên tục thay đổi thủ đoạn và phương thức tấn công mới để vượt qua những biện pháp bảo mật này và khai thác thông tin từ những khách hàng sử dụng mất cảnh giác trong việc gìn giữ thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.

Để hạn chế thấp nhất rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán điện tử và thanh toán thẻ nói riêng, cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng và ngân hàng tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các đơn vị trong ngành triển khai một số nhiệm vụ trong thời gian tới.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Cục Công nghệ tin học nghiên cứu, xây dựng trình Thống đốc ban hành lộ trình áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh bảo mật như ISO 27001 cho hệ thống công nghệ thông tin và chuẩn PCI/DSS cho hệ thống thanh toán thẻ; nghiên cứu để tham mưu cho Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước sớm chỉ đạo triển khai các công nghệ bảo mật đa nhân tố mới trong các giao dịch ngân hàng để thay thế các công nghệ bảo mật cũ đã bị tội phạm mạng lợi dụng.

Đối với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các quy trình nghiệp vụ, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực và việc tổ chức thực hiện các quy định đã ban hành, các dịch vụ phụ trợ liên quan như tổng đài hỗ trợ trực tuyến, giải quyết các khiếu nại… của các hệ thống thanh toán và thanh toán thẻ, đảm bảo tuân thủ các quy định. Định kỳ rà soát, bổ sung các thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn cho ATM, kiểm tra ATM/POS để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các thiết bị lắp đặt trái phép nhằm trộm cắp thông tin của chủ thẻ.

Cùng với đó là đánh giá, phân loại các loại rủi ro trong công tác thanh toán và triển khai các giải pháp phù hợp để giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng và ngân hàng. Nghiên cứu, áp dụng các công nghệ bảo mật tiên tiến như xác thực sinh trắc học, khóa công khai PKI, công nghệ 3D secure cho các khách hàng có giao dịch lớn và từng bước mở rộng cho toàn bộ các đối tượng khách hàng; nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin để chủ động nhận diện, cảnh báo kịp thời các hiểm họa, nguy cơ mất an ninh cho khách hàng. Xây dựng và diễn tập các kịch bản ứng phó với các sự cố mất an toàn thông tin.

– Phó Thống đốc có lời khuyên gì đối với các khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện nay?

– Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh: Các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân sử dụng dịch vụ ngân hàng và thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam có thể hoàn toàn tin tưởng và yên tâm với hệ thống thanh toán an toàn và thuận tiện hiện nay. Quyền lợi của khách hàng sẽ được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình sử dụng dịch vụ, các khách hàng cần tuyệt đối tuân thủ theo các hướng dẫn của ngân hàng. Khi gặp sự cố, khách hàng cần bình tĩnh phối hợp với các ngân hàng, các cơ quan điều tra để phối hợp giải quyết; đặc biệt cần nâng cao cảnh giác với những thủ đoạn của tội phạm trên mạng, không nên cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, mật mã… cho các đối tượng nghi vấn khi được yêu cầu để tránh bị lợi dụng.

– Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!

Theo ĐỖ HUYỀN (TTXVN/VIETNAM+)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)