Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Từ vụ kiện chống bán phá giá – Củng cố chứng cứ, bác cáo buộc

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng loạt sản phẩm thép xuất khẩu trong nước đang bị các đối tác như Mỹ, Australia… đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD). Nếu các doanh nghiệp (DN) thép không sớm có giải pháp ứng phó kịp thời, chặng đường xuất khẩu sắp tới sẽ gặp nhiều chông gai.

 Gia tăng các vụ kiện

Thông tin từ Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương), cuối tháng 9-2016, Bộ Thương mại Mỹ đã nhận đơn kiện yêu cầu điều tra chống lẩn tránh thuế AD và thuế CVD với sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam, gồm thép cán nguội và thép chống ăn mòn. Nguyên đơn trong 2 vụ này đều cho rằng, lượng xuất khẩu các sản phẩm này từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến. Trong đó, nguyên đơn yêu cầu phải xem xét các yếu tố như: Sản phẩm nhập khẩu từ một nước thứ ba thuộc cùng loại với sản phẩm bị áp thuế; trước khi nhập khẩu vào Mỹ, sản phẩm này được hoàn thiện hoặc gia công từ sản phẩm sản xuất ở nước bị áp thuế; quá trình gia công hoặc hoàn thiện ở nước thứ ba là “nhỏ hoặc không đáng kể”; trị giá của hàng sản xuất ở nước bị áp thuế “chiếm phần lớn tổng trị giá của sản phẩm” được xuất khẩu sang Mỹ.

Thép mạ hợp kim hay còn gọi là tôn mạ hợp kim nhôm, kẽm là một trong 4 sản phẩm thép được Việt Nam sản xuất, với các nguồn cung lớn tập trung ở các doanh nghiệp, gồm: Tôn Hoa Sen, Thép Đông Á, Tôn Phương Nam, Thép Nam Kim… Trong đó, sản phẩm tôn lạnh của Tôn Hoa Sen có đến 50% sản lượng sản xuất ra để xuất khẩu. Tôn Hoa Sen hiện chiếm 28% tổng thị phần sản xuất và bán hàng trong lĩnh vực tôn mạ. Tôn Phương Nam chiếm 14%, Thép Đông Á chiếm 13%… Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế, ngay sau khi thông tin về 2 vụ kiện nêu trên, dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng đã ảnh hưởng lớn đến Hòa Phát và Hoa Sen. Cụ thể, trên sàn chứng khoán thời gian gần đây, cổ phiếu của Hoa Sen đã giảm 4 phiên liên tiếp, còn cổ phiếu của Hòa Phát giảm 6 phiên liên tiếp. Theo tính toán, chỉ trong một thời gian ngắn, giá trị vốn hóa thị trường của Hòa Phát đã bốc hơi 3.200 tỷ đồng, còn Hoa Sen mất 668 tỷ đồng (cùng mất khoảng 8,1%)!

Thép cuộn của một doanh nghiệp trong nước sản xuất tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Cao Thăng

Trước đó, Australia cũng đã khởi xướng áp dụng biện pháp AD và thuế CVD đối với sản phẩm thép mạ hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam. Đồng thời, ra quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp AD và thuế CVD đối với sản phẩm thép mạ hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam. Tương tự, vừa qua Thái Lan thông báo quyết định cuối cùng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam, với mức thuế lên tới 310,74%. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các sản phẩm thép là mặt hàng dính kiện chống bán phá giá nhiều nhất trong những năm gần đây, khi nhiều thị trường đã tìm cách bảo hộ sản phẩm thép nội địa thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại. Giai đoạn 1994-2014, thép là mặt hàng bị điều tra chống bán phá giá nhiều nhất, chiếm 29% tổng số vụ.

Chứng minh trong sạch, uy tín

Xung quanh việc DN sản xuất thép tại Mỹ nộp đơn cáo buộc thép Việt Nam, ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VSA, cho rằng đây chưa phải là đơn kiện mà mới chỉ là cáo buộc của một số DN Mỹ gửi tới Bộ Thương mại Mỹ xem xét, nếu hợp lý mới chính thức khởi xướng điều tra theo quy trình của một vụ kiện thương mại. Sự việc này bắt nguồn từ tháng 5-2016, khi Mỹ ban hành lệnh áp thuế AD khoảng 200% và thuế CVD 256% đối với tôn mạ của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Do vậy, lượng tôn mạ từ Trung Quốc vào Mỹ giảm, trong khi đó lượng nhập khẩu từ Việt Nam tăng đột biến. “Về căn cứ để phía các DN Mỹ gửi đơn cáo buộc lên Bộ Thương mại Mỹ là do họ thấy lượng hàng tôn mạ và thép cuộn cán nguội của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ tăng trong năm 2016, trong khi hàng cùng loại từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ giảm, gây mối nghi ngờ thép HRC qua Việt Nam gia công thành CVD, mạ rồi nhập khẩu vào Mỹ để trốn thuế”, ông Khải cho biết.

Theo ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch VSA, trước diễn biến của sự việc còn chưa rõ ràng, phía Việt Nam phải chứng minh được sự trong sạch, đồng thời phản đối vì các DN Mỹ làm mất uy tín của sản phẩm thép trong nước. “Trách nhiệm của DN Việt Nam là phải chứng minh tự sản xuất, không có trợ cấp gì từ Chính phủ, không có gian lận thương mại. Việc Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nhiều là do chúng ta có lợi thế. Do  đó, bây giờ phải điều tra, làm rõ những vấn đề này”, ông Cường nhấn mạnh. Đồng quan điểm này, các chuyên gia trong ngành thép cho rằng, không chỉ với vụ việc nêu trên mà ở cả các vụ việc khác, các DN Việt Nam có thể đưa ra quy trình sản xuất kinh doanh để các đối tác, đặc biệt là Mỹ, được biết. Đồng thời, công bố các tiêu chuẩn với phía đối tác trong xuất xứ hàng hóa; tạo điều kiện cho đối tác kiểm tra các chứng từ, nhãn hiệu, giấy phép…, từ đó để chứng minh chất lượng, xuất xứ sản phẩm Việt Nam không có gian lận thương mại, không có trợ cấp từ Chính phủ. “Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng sản xuất ra thép cán nguội nhờ áp dụng công nghệ và kỹ thuật khá cao. Nhiều nhà máy đã sản xuất được thép cán nguội sau khi nhập nguyên liệu từ nước ngoài rồi cán mỏng. Vì vậy, với việc các DN Mỹ, Australia… kiện chống phá giá với thép Việt Nam, VSA cần phải đứng ra bảo vệ DN. Trong bối cảnh hiện nay, nếu phía Việt Nam không làm tới cùng, sau này các DN trong nước sẽ gặp thêm nhiều khó khăn trong việc tìm cách xuất khẩu thép. Nếu có đầy đủ hồ sơ, bằng chứng, Việt Nam hoàn toàn có thể bác bỏ những cáo buộc và đơn kiện từ phía cáo buộc của đối tác”, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Minh Ngọc, Đại học Công nghiệp TPHCM, đề nghị.

LẠC PHONG (SGGP)

 

Bình luận (0)