Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ngày phụ nữ thực ra có ý nghĩa gì?

Tạp Chí Giáo Dục

"20-10 và 8-3 thực ra có ý nghĩa gì?" – sáng nay, tôi nhận được tin nhắn từ một người bạn cũ hỏi. Và cô tự trả lời: "Những ngày rất bình thường được người ta biến thành một cuộc vui vô nghĩa". 

Ngày phụ nữ thực ra có ý nghĩa gì?
Ảnh dự thi Việt Nam – đất nước – con người của Nguyễn Đức Toàn

Cô bảo, cô đã chán ngấy cái cảnh những ngày này Facebook tràn ngập những hoa ảo, ảnh đàn ông nấu cơm và giặt giũ để thể hiện sự yêu thương, và cả… những cuộc vui nhậu để ăn mừng một ngày mà họ gọi là ngày Phụ nữ.

Đó tưởng chừng là những ngày mà người phụ nữ được phép gạt sang bên những nỗi lo, những nỗi buồn và vất vả của mình sang bên để được chúc mừng, để được ca ngợi về sự hy sinh, và rồi, rời ngày đó ra, họ lại lao vào một guồng quay đầy mệt mỏi của việc nước và việc nhà.

Tôi rất hiểu tâm sự ấy. Ở nhiều nước, những ngày như thế này, phụ nữ xuống đường đòi các quyền của họ, từ quyền được phá thai (ở những nước mà Công giáo có ảnh hưởng rất lớn) đến quyền được hưởng lương tương xứng với công việc, hoặc đòi hỏi được cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện sống.

Tại Argentina, mới hôm qua 19-10, hàng ngàn người mặc áo màu đen đội mưa bước xuống các nẻo đường ở Argentina để phản đối nạn bạo hành phụ nữ sau sự kiện đau lòng gây chấn động ở nước này: một nữ sinh 16 tuổi bị ép dùng ma túy, bị hãm hiếp và giết hại dã man.

Trong khi đó ở nhiều nước Á đông, cho đến hôm nay vẫn tồn tại những định kiến ràng buộc và rào cản đối với sự tiến bộ của phụ nữ. Trong nếp gia trưởng của nhiều người đàn ông, phụ nữ đồng nghĩa với việc quanh năm suốt tháng cắm mặt vào bếp, đóng vai trò của một người vợ đảm, một người mẹ hiền, hy sinh cho mọi người.

Có những phụ nữ tự nguyện như thế. Có những người không có sự lựa chọn nào khác. Nhưng cũng có những người tin rằng, phụ nữ phải là như vậy.

Ngày phụ nữ thực ra có ý nghĩa gì?
Ảnh dự thi Việt Nam – đất nước – con người của Nguyễn Đức Toàn

Đã từ lâu rồi, những người mẹ có con gái thường hướng con đến các công việc gia đình, bởi nỗi lo sợ rằng, nếu không giỏi những việc đó (hoặc quá giỏi về tri thức), con gái họ sẽ rất khó lấy chồng. Những người cha gia trưởng luôn dạy con trai mình rằng chuyện bếp núc phơi phóng quần áo không phải là việc của đàn ông, những người cần phải làm việc lớn, mà đấy là việc của đàn bà, đàn ông… không được đụng tay vào (?!).

Tư duy rất phổ biến ở các thành thị. Ngay từ khi đứa trẻ trong bụng mẹ được xác định giới tính, thì tư duy ấy như một sợi dây vô hình tròng lên cổ bé gái.

Bé gái ấy lớn lên trong tư duy cũ kĩ, được định hướng cách sống kiểu cũ và nhiều trong số họ đã kết thúc những hoài bão và đam mê của mình bằng một cuộc hôn nhân kiểu Á Đông ở tuổi còn trẻ.

Đôi khi chính phụ huynh lại muốn đưa con gái họ vào con đường ấy, tước đi của nó sự tự do, tự lập, gạt bỏ ở nó những quan niệm về hạnh phúc cá nhân và con đường học vấn.

Người ta vẫn quan niệm, phụ nữ đến một tuổi nào đó là phải có chồng, lấy chồng là phải có con và sau đó phải là dâu đảm, mẹ hiền, tóm lại vẫn chỉ là một nhân vật phụ bên cạnh đàn ông.

Người ta sợ phụ nữ học cao thì khó lấy chồng. Sự thông minh và học vấn càng cao của người phụ nữ bị coi là một lực cản đối với hôn nhân. Chỉ ở những đất nước không chịu phát triển và sự gia trưởng cũ kĩ ngự trị, người ta mới sợ phụ nữ thông minh!

Rất nhiều bạn nữ chia sẻ với người viết rằng họ luôn bị bắt, bị giục giã hàng ngày bởi những lời nói của người thân, người quen, bạn bè về chuyện… lấy chồng. Ai cũng mặc nhiên xem 30 tuổi "chưa có gì" bị coi là ế.

Không, các quý cô thân mến, cuộc đời, với những đam mê, khao khát cá nhân và con đường học vấn người phụ nữ không thể kết thúc chỉ bằng một cuộc hôn nhân kiểu Á Đông. Phụ nữ hiện đại bây giờ không đặt mục đích cao nhất và cuối cùng của đời mình là phải lấy chồng, coi đó như là một con đường duy nhất để đến với hạnh phúc.

Khi mà nhiều người đàn ông vẫn rất gia trưởng, vẫn nhậu nhẹt nhiều hơn là tập thể thao, và chém gió trên bàn nhậu và trên mạng với họ giống như một thứ vũ khí rởm để thể hiện sự hiểu biết, thì việc các cô gái trao gửi đời mình vào những cuộc hôn nhân với các quý ông gia trưởng sống ảo này càng trở nên đầy rủi ro.

Làm phụ nữ phải là một vinh dự và xứng đáng với hạnh phúc. Lấy chồng cũng không phải là con đường duy nhất để dẫn đến hạnh phúc và chỉ lấy chồng mới có hạnh phúc.

Và lấy chồng cũng không phải là để đến một lúc nào đó cho rằng "phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng".

Không, mỗi người phụ nữ có giá trị của riêng mình, có trí tuệ, sắc đẹp và vẻ đẹp của tâm hồn. Họ không cần chồng để làm vật trang điểm hay là một thứ vũ khí để so đo với phụ nữ khác.

Các bạn nữ hãy mạnh mẽ, cứng rắn hơn và gia tăng khả năng tự do trong lựa chọn cuộc sống của mình, để làm chủ nó, chứ không trao nó cho những người không xứng đáng.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả. Bạn đọc có ý kiến xin gửi vào phần Bình luận bên dưới.

TRƯƠNG ANH NGỌC (Roma)/ TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)