Hoạt động ngoại khóa góp phần không nhỏ giúp học sinh được vui chơi, tương tác, rèn luyện các kỹ năng, nâng cao kiến thức. Nắm bắt được ý nghĩa này, Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Công ty cổ phần MVV EDU tổ chức “Ngày hội khoa học ngoại khóa” dành cho học sinh ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu chăm chú xem thầy cô làm thí nghiệm về áp suất không khí |
Ngày hội diễn ra ở mỗi trường với thời gian 90 phút, gồm các hoạt động giới thiệu hiện tượng khoa học, trò chơi khoa học. Qua đây, các em được lắng nghe, quan sát, trả lời các câu hỏi xoay quanh những hiện tượng khoa học độc đáo cũng như được trực tiếp làm các thí nghiệm hóa học, vật lý.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Q.Bình Thạnh), hơn 2.000 học sinh của trường háo hức trước những thước phim sống động về cấu tạo trái đất, hoạt động của núi lửa do Ban tổ chức trình chiếu, giảng giải. Để minh họa cho quá trình hoạt động của núi lửa, các em được hướng dẫn làm thí nghiệm. Thành phần gồm dấm pha với nước phẩm màu, nước rửa chén. Sau khi lắc nhẹ hỗn hợp, tiếp tục kết hợp với bột nở đã hòa tan và kết quả tạo ra hiện tượng phun trào.
Học sinh Trường Tiểu học Trung Nhất (Q.Phú Nhuận) tham gia làm thí nghiệm tại ngày hội |
Em Lê Hồ Tâm Bình (lớp 1/2) hồ hởi cho biết: “Qua thí nghiệm giúp em hình dung được quá trình phun trào của núi lửa diễn ra như thế nào. Em rất thích thí nghiệm này, nhờ nó mà em có thêm nhiều kiến thức về khoa học”. Em Đoàn Kiến Văn (học lớp 1/4) cũng cho biết em chưa từng được tham gia làm bất cứ thí nghiệm nào, vì thế về nhà em sẽ làm lại thí nghiệm trên cho ba mẹ xem. “Khi làm thí nghiệm này, em và ba mẹ sẽ đeo kính bảo hộ để được an toàn như lời các thầy cô hướng dẫn”, Văn nói.
Tương tự, tại các trường tiểu học: Trung Nhất, Lê Đình Chinh, Phạm Ngọc Thạch (Q.Phú Nhuận), Ngày hội khoa học ngoại khóa diễn ra rất sôi nổi. Ngoài thí nghiệm núi lửa, các em học sinh còn được tham gia làm thí nghiệm về áp suất không khí, lực li tâm; cách nhận biết axít và bazơ… Ở thí nghiệm áp suất không khí, nhiều học sinh không khỏi ngạc nhiên vì sao một tấm kính bằng nhựa đặt lên miệng ly thủy tinh chứa đầy nước đem dốc ngược nhưng nước không rơi ra. Sau khi được Ban tổ chức giảng giải, các em đã hiểu được rằng, dưới tác động của áp suất không khí đẩy ngược lên khiến tấm kính dính chặt vào miệng ly nên nước trong ly không đổ ra ngoài.
So với các tiết học lý thuyết trên lớp thì Ngày hội khoa học ngoại khóa được lãnh đạo các trường học đánh giá cao về mục đích, ý nghĩa vì đem đến quá trình thực hành đầy bổ ích cho học sinh. |
So với các tiết học lý thuyết trên lớp thì Ngày hội khoa học ngoại khóa được lãnh đạo các trường học đánh giá cao về mục đích, ý nghĩa vì đem đến quá trình thực hành đầy bổ ích cho học sinh. Cô Bạch Thị Ánh Ngọc (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu) cho biết: “Hiện tại chương trình giáo dục tiểu học có sự giảm tải, chú trọng kiến thức cơ bản nên các hoạt động trải nghiệm thực tiễn sẽ giúp học sinh thích thú, tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn. Thông qua hoạt động đầy vui nhộn, các em sẽ phát triển tính cộng đồng, ham học hỏi và được khơi dậy tiềm năng yêu thích khoa học”. Một lãnh đạo Trường Tiểu học Phạm Ngọc Thạch cũng cho biết, hiện mỗi tuần học sinh chỉ được học một tiết khoa học trên lớp, vì thế Ngày hội khoa học ngoại khóa cung cấp thêm nhiều kiến thức khoa học hay cho các em. Việc được tham gia làm thí nghiệm sẽ trang bị kỹ năng thực hành cũng như rèn cho các em tính cẩn thận khi bắt tay vào làm với các chất hóa học nói riêng và những công việc khác nói chung.
Theo Ban tổ chức, Ngày hội khoa học ngoại khóa đã diễn ra xuyên suốt từ tháng 9 đến nay. Ngoài những hoạt động trên, học sinh còn được chơi các trò chơi: phóng phi tiêu, xếp chữ cái tiếng Anh, bốc thăm câu hỏi và trả lời bằng tiếng Anh.
Ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM, Trưởng ban tổ chức) cho rằng, hoạt động khoa học sẽ góp phần thúc đẩy học sinh phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, trí tưởng tượng và khơi dậy niềm yêu thích các bộ môn khoa học. Đồng thời tập cho các em hình thành lối suy nghĩ tích cực, biết cách đặt vấn đề, nâng cao khả năng tương tác và phát triển các kỹ năng quan sát, tập trung, tư duy logic…
N.Trinh
Bình luận (0)