Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mua hàng trên “chợ facebook”: Cẩn thận vẫn hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Những tiện ích của mạng xã hội facebook khiến số lượng người tham gia mạng xã hội này ngày càng đông đảo. Đối với một số cá nhân, trang mạng xã hội facebook còn được họ gọi là một trung tâm mua sắm online bởi nơi đây có hầu hết các mặt hàng giá trị từ nhỏ tới lớn.

Người tiêu dùng nên cẩn thận khi mua hàng trên “chợ facebook”

Facebook Marketplace – Kết nối người dùng

Khi buôn bán, kinh doanh trên mạng xã hội facebook, không ít khách hàng đã phải ngậm “trái đắng” khi mua hàng bằng… niềm tin.

Những năm trở lại đây, hình thức kinh doanh qua mạng xã hội đang dần phổ biến và trở thành thói quen của không ít người tại Việt Nam. Sự phát triển của hệ thống mạng xã hội như facebook, twitter, zalo… đã trở thành địa chỉ mua bán, trao đổi hàng hóa thuận lợi cho nhiều người trong nhịp sống hiện đại. Chỉ cần một cú click chuột vào mạng xã hội facebook là đã có thể thấy đủ nhóm như: Chợ máy ảnh; Hội thanh lý, Hội buôn bán dành cho mẹ và bé, Hội mua bán xe cũ… với hàng chục ngàn người là thành viên. Không khó để tìm ra đủ các mặt hàng từ quần áo, mỹ phẩm, phụ kiện cho đến thiết bị số, đồ điện tử… được rao bán nhộn nhịp không khác gì chợ thu nhỏ.

Trong số những trang mạng xã hội hiện nay, facebook là một trang mạng xã hội lớn với những tiện ích mang tính thời đại như Phone, Video Call, quảng bá thương hiệu… Những cải tiến của trang mạng xã hội này luôn làm người dùng hứng thú. Vừa qua, facebook đã trình làng Marketplace – một địa chỉ thuận tiện cho việc khám phá, mua và bán các mặt hàng với những người dùng khác. Được biết, Marketplace sẽ giúp người dùng dễ dàng tìm những thứ mới mẻ để mua và một nơi thích hợp để kinh doanh. Theo đó, facebook Marketplace sẽ giúp người bán, mua hàng tiếp cận nhau dễ dàng hơn. Facebook Marketplace thực chất là chợ đồ cũ, nơi người dùng có thể mua bán các món đồ cũ đã qua sử dụng. Marketplace sẽ giúp người mua dễ dàng tìm ra những thứ mình thích, đang cần nhưng được bán với giá rẻ, trở thành nơi kết nối giữa người bán và người mua đồ cũ. Hình thức mua hàng trên chợ facebook Marketplace là nhắn tin trực tiếp cho người bán, hoặc gọi điện thoại thông qua dữ liệu mà họ đăng lên.

Hãy tự bảo vệ mình

“Các vụ việc lừa đảo buôn bán qua internet đều xuất phát từ việc người tiêu dùng chưa có những kiến thức về pháp luật để tự bảo vệ mình. Do đó, về phía người tiêu dùng cũng cần tự trang bị kiến thức để tránh “tiền mất tật mang”. Về phía người bán, kinh doanh online cần sự đầu tư nghiêm túc để xây dựng niềm tin vững chắc nơi khách hàng” – luật sư Võ Đan Mạch khuyên!

Với facebook Marketplace, người dùng có thể chủ động tìm kiếm facebook Marketplace từ thanh tìm kiếm ở phía trên, lọc kết quả theo vị trí, danh mục và mức giá. Lúc tìm được mặt hàng mình cần, nhấp vào hình ảnh để xem chi tiết mô tả sản phẩm, tên, người bán và vị trí. Facebook tích hợp thêm tính năng lưu để mua sau. Không thể phủ nhận những tiện ích của “chợ facebook” với nhiều tính năng tiện ích. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, “chợ facebook” cũng tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo cho người mua khi mạng xã hội lại không phải là kênh mua bán điện tử chính thống do không thể xác thực thông tin chủ tài khoản. Người bán có thể sử dụng nhiều tài khoản, thay đổi tên tài khoản, chặn phản hồi từ người mua chỉ bằng những thao tác đơn giản. Hiện nay, Marketplace hiện chỉ được cung cấp tại 4 quốc gia là Mỹ, Anh, Úc và New Zealand. Trong thời gian tới, công cụ này sẽ được mở rộng thêm 18 quốc gia khác trong năm nay cũng như mở rộng ra toàn cầu.

Tuy ra mắt chưa được lâu nhưng nhiều người dùng đã bắt đầu bán các mặt hàng nhạy cảm mà vi phạm đến quy định của facebook như: ma túy, cần sa, động vật hay hoạt động mại dâm… Đại diện facebook cho biết họ có một đội ngũ nhân lực chuyên tìm kiếm và phát hiện các bài đăng mua bán vi phạm và dỡ bỏ nó khỏi hệ thống.

Khi buôn bán, kinh doanh trên mạng xã hội facebook, không ít khách hàng đã phải ngậm “trái đắng” khi mua hàng bằng… niềm tin. Cùng một chiêu thức, đăng thông tin bán hàng lên mạng xã hội với giá thành rẻ, hình ảnh bắt mắt, nhiều khách hàng đã tin tưởng, chuyển khoản mà không biết chủ tài khoản này tên là gì, ở đâu. Có thể nhận thấy nhiều trường hợp có dấu hiệu lừa đảo rõ ràng, nhưng nhiều nạn nhân, vì các lý do, thậm chí còn không đến trình báo ở các cơ quan chức năng, mà chờ đợi với hy vọng kẻ lừa đảo sẽ trả lại tiền.

Theo luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM, “Nhằm tạo hành lang pháp lý cho các giao dịch thương mại điện tử được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các hành vi bị cấm, trách nhiệm quản lý của Nhà nước, trách nhiệm của chủ kinh doanh, các thủ tục đăng ký website bán hàng điện tử. Tuy nhiên với những trang mạng xã hội như facebook không có đại diện (chi nhánh, văn phòng đại diện hay tên miền.vn) tại Việt Nam nên sẽ rất khó quản lý”. Các vụ việc lừa đảo buôn bán qua internet đều xuất phát từ việc người tiêu dùng chưa có những kiến thức về pháp luật để tự bảo vệ mình. Do đó, về phía người tiêu dùng cũng cần tự trang bị kiến thức để tránh “tiền mất tật mang”. Về phía người bán, kinh doanh online cần sự đầu tư nghiêm túc để xây dựng niềm tin vững chắc nơi khách hàng”.

Bài, ảnh: Yên Hà

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)