Đây là năm đầu tiên môn giáo dục công dân (GDCD) được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia, lại thi theo hình thức trắc nghiệm nên các giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm giúp học sinh làm bài thi tốt. Họ đang từng bước tập làm quen, vừa bắt tay xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm vừa thực hành.
Theo nhiều giáo viên, muốn làm tốt bài thi trắc nghiệm môn GDCD, các em học sinh phải biết phân tích, lý giải, đánh giá… các hiện tượng trong cuộc sống. Ảnh: Anh Khôi |
Phải thay đổi cách dạy và cách học
Theo ThS. Nguyễn Kim An (giảng viên Khoa Giáo dục chính trị Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), với cách ra đề môn GDCD như đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, giáo viên và học sinh phải thay đổi cách dạy, cách học; bởi nội dung đề thi trắc nghiệm nằm trong tất cả các bài học (trừ các bài và những nội dung giảm tải) ở chương trình lớp 12 “Công dân với pháp luật”. Nếu học tủ, học lệch, coi trọng bài này và coi nhẹ bài khác thì có thể sẽ dẫn đến kết quả không tốt. Cụ thể, giáo viên và học sinh sẽ phải đổi mới phương pháp dạy – học theo hướng tích cực hơn: Vận dụng nội dung kiến thức bài học vào việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội phù hợp với lứa tuổi mới giải quyết được 40% câu hỏi vận dụng. Trong quá trình học, các em cần hình thành các năng lực tư duy phê phán, năng lực phân tích – tổng hợp, năng lực nhận xét đánh giá, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực thực hiện trách nhiệm công dân… phù hợp với yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
ThS. Kim An cho biết, điều đáng mừng ở đề thi minh họa môn GDCD là hầu hết các câu hỏi trắc nghiệm đều hỏi rất khách quan, dù là ở cấp độ cơ bản hay câu hỏi phân hóa. Do đó, để làm bài thi theo hình thức trắc nghiệm theo dạng này, các em không cần thiết phải học thuộc từng khái niệm, định nghĩa, nội dung như trong SGK, mà quan trọng là phải biết phân tích, tổng hợp, lý giải, nhận xét đánh giá các hiện tượng pháp luật trong thực tiễn đời sống xã hội. Mỗi bài học cần chú ý đến những nội dung tích hợp về các lĩnh vực như: công dân với các quyền tự do căn bản, vấn đề phòng chống tham nhũng, giao thông, môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu… Riêng với giáo viên, ngoài việc cung cấp kiến thức nội dung bài học cho các em, các thầy cô cần đưa ra những ví dụ minh họa cụ thể, gần gũi với đời sống, đồng thời đưa ra nhiều phương án giải quyết để học sinh lựa chọn. Đây vừa là cách củng cố bài học, vừa là cách giúp học sinh làm quen với các dạng câu hỏi sẽ có trong đề thi, cũng vừa giúp các em vận dụng được những kiến thức đã học vào đời sống.
Rèn kỹ năng nắm bắt những cụm từ dễ nhận biết
Để làm tốt bài thi môn GDCD, trước hết phải nắm vững kiến thức nền của SGK, chú trọng vào những nội dung bài học gắn với thực tiễn đời sống, những vấn đề liên quan đến quyền lợi cũng như nghĩa vụ công dân. |
Theo cô Hoàng Thị Lân (giáo viên Trường THPT Phạm Phú Thứ, Đà Nẵng), để làm tốt bài thi môn GDCD, trước hết phải nắm vững kiến thức nền của SGK, chú trọng vào những nội dung bài học gắn với thực tiễn đời sống, những vấn đề liên quan đến quyền lợi cũng như nghĩa vụ công dân. Phần câu hỏi dễ, học sinh có thể dựa vào kiến thức đã học để làm bài. Với những câu hỏi khó hơn, có tính chất phân hóa thì dùng các kỹ năng loại trừ từ phương án sai nhất hoặc chú ý đến các từ khóa để chọn ra đáp án đúng. Ví dụ ở câu hỏi số 2 của đề minh họa, khi nói đến vai trò thì đề cập đến 4 phương án tương đương khiến học sinh rất dễ chọn nhầm. Ở đây để có phương án đúng, các em cần chú ý đến cụm từ: “Lợi ích hợp pháp của công dân…” để chọn đáp án đúng. “Với một bài thi trắc nghiệm như cấu trúc đề thi minh họa, học sinh không nhất thiết phải học thuộc lòng mà yêu cầu các em phải biết phân tích, tổng hợp, biết vận dụng kiến thức và kỹ năng để hoàn thành bài thi”, cô Lân nói.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Hằng (giáo viên Trường THPT Lê Thế Hiếu, Quảng Trị) cho biết, ngoài việc nắm vững kiến thức SGK chuẩn, các em cần đọc kỹ đề, chọn câu dễ làm trước, các câu có tính phân hóa ở mức độ khó làm sau. Câu hỏi quá khó không thể tìm được phương án đúng thì dùng phương pháp loại trừ từ đáp án sai nhất. Bên cạnh đó, các em phải rèn luyện kỹ năng nắm bắt những cụm từ dễ nhận biết để không bị nhầm lẫn. Nắm chắc các kiến thức về hình thức sử dụng pháp luật với các nhóm như: làm được, phải làm và không được làm. Nắm vững và nhấn mạnh vào những cụm từ quan trọng, ví dụ như nói đến vi phạm pháp luật thì có rất nhiều hình thức vi phạm, đơn cử như vi phạm hành chính, vi phạm dân sự… Nếu không nắm được các cụm từ nhấn mạnh thì dễ nhầm lẫn các hình thức đáp án. Ví dụ với câu hỏi số 9 của đề minh họa, nếu học sinh không đọc kỹ đề thì dễ nhầm lẫn giữa trách nhiệm pháp lý của công dân và quyền bình đẳng trong kinh doanh nên dễ chọn các phương án A, B (sai). Thực chất ở đây đáp án C mới là đáp án đúng. Để làm đúng thì phải chú ý cụm từ: “Không phụ thuộc vào người bị xét xử là ai, giữ chức vụ gì”.
Một điều mà các em cần chú ý là không nhất thiết phải học thuộc tất cả vì thực tế không thể ghi nhớ hết được các điều luật, hiến pháp. Tuy nhiên, cần chú ý nắm bắt kỹ các bài học đề cập đến một số điều luật liên quan đến quyền và lợi ích của công dân. Ví dụ nói đến Luật Hôn nhân gia đình thì phải biết, bản thân công dân trưởng thành bị nghiêm cấm hành vi nào và được quyền như thế nào…
N.Anh – V.Yên
Bình luận (0)