Đến hẹn lại lên, vào một ngày cuối tháng 9 đẹp trời là hiệu trưởng A. của trường X. tổ chức sinh nhật khá hoành tráng. Cũng đúng thôi vì hiệu trưởng muốn kỷ niệm ngày sinh tháng đẻ của mình, luật không cấm làm sinh nhật. Thành phần được “vinh dự” mời là toàn thể cán bộ, giáo viên cho đến nhân viên văn phòng, tạp vụ, bảo vệ… Hiệu trưởng cũng không quên mời ban đại diện cha mẹ học sinh (mà hầu hết là các doanh nghiệp) thêm phần xôm tụ để “hiểu nhau” hơn trong công việc hỗ trợ nhà trường.
Hiệu trưởng A. trịnh trọng mời mọi người đến nhà hàng; mâm cỗ được đặt đàng hoàng, đủ các món như đám cưới. Thôi thì đủ lời chúc “có cánh” đến với người lãnh đạo cao nhất của nhà trường. Nào là chúc sức khỏe; nào là chúc nhà trường có sếp đứng đầu sẽ đạt nhiều thành tích cao hơn năm trước… Năm sếp tổ chức sinh nhật đầu tiên, mọi người mang quà khá nhiều. Nào rượu ngoại, nào sâm nhung đại bổ… Một số người còn khệ nệ mang theo những bộ tách trà, chén dĩa sứ khá cồng kềnh. Cuối buổi tiệc, sếp phải kêu xe taxi mới chở hết đồ về nhà. Năm sau, “rút kinh nghiệm sâu sắc”, mọi người kháo nhau đi phong bì cho gọn nhẹ và “chất lượng”. Quả nhiên, không còn cảnh tay xách nách mang quà cáp như lần sinh nhật trước mà mọi người… đi tay không vào dự tiệc.
Khi hiệu trưởng A. tới từng bàn chúc tụng và nhận những lời chúc mừng thì các thành viên trong bàn mau chóng gom phong bì gọi là “gửi sếp chút đỉnh”! Có giáo viên than thở: “Tụi em có dạy thêm, không muốn bị làm khó nên hùn nhau cứ ba người mua một chỉ gửi sếp. Nó vừa gọn vừa kín đáo, vừa “nói hộ tâm tình” của chúng em với sếp! Thôi cũng coi đây là “phí yên thân” cho tụi em dạy an toàn suốt năm”.
Tôi thầm nghĩ đến độ tuổi nào thì nên giảm, hạn chế hoặc chấm dứt tổ chức sinh nhật? Tổ chức sinh nhật như hiệu trưởng A vừa tốn kém, vừa (có thể) làm phiền mọi người thì không nên.
Lam Sơn (Sóc Trăng)
Bình luận (0)