Hầu hết khu đô thị cũ tại TPHCM không được đầu tư hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra môi trường, theo năm tháng, đã gây ô nhiễm cho nguồn nước mặt và nước ngầm của TP. Do vậy, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định, các khu đô thị, khu dân cư tập trung phải có hệ thống xử lý nước thải và xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Hệ thống xử lý nước thải cũng là một trong những điều kiện cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình. Tuy nhiên, cho đến nay quy định này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.
Hệ thống xử lý – Có cũng như không
Chung cư 584 Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú) đưa vào sử dụng từ năm 2009 nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải. Toàn bộ nước thải của gần 400 căn hộ chung cư đều xả thẳng ra hệ thống cống chung của TP. Một cư dân từng tham gia ban quản trị chung cư cho hay, từ khi tiếp nhận hạ tầng kỹ thuật từ chủ đầu tư đã không có hạng mục hệ thống xử lý nước thải trong hồ sơ. Ban quản trị có hỏi nhưng chủ đầu tư bảo không có. Thế nhưng chẳng thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra hay có ý kiến gì.
Còn chung cư 4S Riverside (quận Thủ Đức) dù được đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng có cũng như không vì hệ thống ngừng hoạt động đã lâu, toàn bộ nước thải sinh hoạt đều xả thẳng ra sông Sài Gòn. Ông Lê Đức Vân Trình, Phó ban Quản trị chung cư cho biết, lúc tiếp nhận bàn giao hạ tầng kỹ thuật từ chủ đầu tư đã phát hiện nhiều bộ phận của hệ thống xử lý nước thải bị hỏng hóc, không vận hành được; tuy nhiên, người dân không nắm được hồ sơ thiết kế cũng như công nghệ vận hành của hệ thống xử lý nên không thể tự sửa chữa. Cư dân ở đây đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư sửa chữa nhưng vẫn không nhận được phản hồi, người dân chung cư đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng phản ánh vụ việc. Đến nay hệ thống xử lý nước thải ở chung cư này vẫn “trùm mền”. “Chúng tôi ý thức rất rõ việc xả thải trực tiếp ra sông sẽ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Vì vậy, rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư chấn chỉnh việc này”, ông Trình cho hay.
Các khu dân cư mới phải có hệ thống xử lý nước thải. Ảnh: THÀNH TRÍ
Nghị định 179/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định hành vi xả thải nước thải vượt quy chuẩn ngoài việc bị phạt hành chính (thấp nhất là 1 triệu đồng), còn bị áp dụng biện pháp khắc phục và nộp lại số tiền bất chính đã thu được do quá trình vi phạm. Những trường hợp không đầu tư hệ thống xử lý nước thải như chung cư 584 Phú Thọ Hòa, hay có đầu tư nhưng không vận hành như chung cư 4S Riverside là không ít, nhưng công tác kiểm tra phát hiện và xử phạt của các cơ quan chức năng vẫn chưa đến nơi đến chốn.
Gánh nặng cho TP
Thống kê sơ bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mỗi ngày toàn TP phát sinh khoảng 1,3 triệu m³ nước thải, trong đó gần 70% là nước thải sinh hoạt. Tải lượng các chất ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt rất cao: 260.000kg BOD/ngày, 514.000kg chất thải rắn lơ lửng/ngày, 66.000kg amoni/ngày… Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt tại các sông, kênh, rạch cũng cho thấy nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là nước thải sinh hoạt. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Việt Nam bị thiệt hại khoảng 780 triệu USD/năm (tương đương 1,3% GDP) do vệ sinh môi trường kém. Nguyên nhân chủ yếu là do nước thải sinh hoạt chưa được xử lý triệt để đã gây ra nhiều tác hại về môi trường, sức khỏe…
Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP cho biết, theo quy hoạch thì có 11 nhà máy xử lý nước thải đô thị, nhưng hiện chỉ có một nhà máy đã đi vào hoạt động là Bình Hưng với công suất xử lý 140.000m³/ngày đêm. Giai đoạn 2 của nhà máy này dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019, nâng công suất xử lý lên 470.000m³/ngày đêm. Nhà máy Tham Lương – Bến Cát đã khởi công năm 2015 với công suất xử lý 130.000m³/ngày đêm, dự kiến đến năm 2017 sẽ đưa vào vận hành. Lớn nhất trong số 11 nhà máy xử lý nước thải là Nhiêu Lộc – Thị Nghè với tổng công suất 480.000m³/ngày đêm, vốn đầu tư 522 triệu USD, dự kiến khởi công vào năm 2017, hoàn thành năm 2020. Ngoài ra, UBND TP cũng đang thẩm định báo cáo đề xuất kêu gọi đầu tư đối với 4 nhà máy: Tân Hóa – Lò Gốm, Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn và Bình Tân với tổng công suất 800.000m³/ngày đêm. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước hy vọng TPHCM sẽ sớm quyết định nhà đầu tư để các nhà máy này có thể hoàn thành và đưa vào vận hành vào năm 2020.
Như vậy, trong khi chờ TP đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho các lưu vực, việc các khu đô thị mới không đầu tư hệ thống xử lý nước thải sẽ chất thêm gánh nặng cho TP.
KHÁNH LÊ (SGGP)
Bình luận (0)