Ngày 28-10, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã diễn ra Hội thảo góp ý kiến xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp do Bộ GD-ĐT tổ chức. Tại đây, đại diện nhiều trường góp ý cho đề án “Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, trong đó đề xuất bộ cấp thiết đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo từ phổ thông cho đến ĐH.
TS. Nguyễn Bá Hải (Trưởng khoa Khởi nghiệp và sáng tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: M.Tâm |
Phải chấp nhận đầu tư rủi ro
Tại đề án “Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, báo cáo của 120 trường ĐH-CĐ cho thấy hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại các trường hầu như chưa được triển khai. Hiện có khoảng 50/235 trường ĐH-CĐ có trung tâm hướng nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ sinh viên quan hệ doanh nghiệp hoạt động độc lập. Số còn lại, bộ phận này nằm trong các phòng ban của trường. Đồng thời, cũng có 120 trường ĐH và 80 trường CĐ có mối liên hệ với doanh nghiệp, hình thức hợp tác chủ yếu là giới thiệu người học với nhà tuyển dụng; tổ chức thường niên các hội chợ việc làm, hội thảo và mời doanh nghiệp nói chuyện. Theo đánh giá, các khóa đào tạo hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp chủ yếu ngắn hạn, chưa có sự đầu tư chương trình từ bậc phổ thông đến ĐH. Phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đạt hiệu quả mong đợi…
Ông Nguyễn Anh Đức (Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho rằng thiếu kinh phí thì rất khó khởi nghiệp nên đề nghị đề án cần quy định rõ nhà trường phải dành bao nhiêu phần trăm trong tổng thu để tạo quỹ khởi nghiệp, tương tự đối với quỹ học bổng. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM dự trù trích khoảng 2% tổng thu của mình để tạo quỹ khởi nghiệp cho sinh viên. Tuy nhiên, trường cũng đang băn khoăn chưa biết nên cho sinh viên vay không lãi suất hay hỗ trợ một phần kinh phí, hỗ trợ toàn bộ không hoàn trả hoặc hỗ trợ dài hơi (sau 5-10 năm khi thành công, các em quay lại trả).
Vấn đề này, ông Dương Văn Bá (Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh – sinh viên Bộ GD-ĐT) cho rằng đã gọi là quỹ hỗ trợ khởi nghiệp thì phải chấp nhận đầu tư rủi ro. Đầu tư cho ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên cũng tương tự đầu tư nghiên cứu khoa học, phải chấp nhận có những dự án không thành công. Nhà trường cần tính đến hướng đó, không thể nào cho sinh viên vay. Bởi nếu vay thì phải trả, khi đó chẳng sinh viên nào dám làm. Nhà trường có quyền chủ động thành lập quỹ này, đưa vào chi tiêu nội bộ để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
TS. Nguyễn Bá Hải (Trưởng khoa Khởi nghiệp và sáng tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) mong muốn Bộ GD-ĐT có cách thức để khuyến khích, tác động mạnh vào suy nghĩ, nhận thức để giảng viên sẵn sàng đồng hành với nhà trường trong vấn đề hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Khoa (Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp sinh viên Trường ĐH Tài nguyên – Môi trường TP.HCM) nêu thực tế, có những trường kiểm soát tài chính rất chặt, khó tính đến chuyện lập quỹ khởi nghiệp. Thay vào đó, ông Khoa cho rằng Bộ GD-ĐT nên đề xuất quy định để các doanh nghiệp có nguồn quỹ phối hợp với các trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Việc “kéo” doanh nghiệp về đầu tư cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên sẽ tạo điều kiện thương mại hóa những sản phẩm khởi nghiệp.
“Cần một hội đồng để đánh giá mức khả thi trong ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên. Với ngân quỹ hạn hẹp, không thể đầu tư tốn kém cho các đề án khởi nghiệp mà lại không dùng được. Mặc dù đây là hoạt động buộc phải chấp nhận rủi ro nhưng nên tính toán cách thức để sinh viên thấy trách nhiệm. Đồng thời, cần tách bạch nguồn kinh phí phục vụ nghiên cứu khoa học với quỹ khởi nghiệp, tránh nhập nhằng”, ông Khoa nói. Về vấn đề này, ông Bá khẳng định, nếu có thành lập quỹ khởi nghiệp sẽ tách biệt chứ không “lấn” sang lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Đưa nội dung khởi nghiệp vào giảng dạy
Đại diện một trường ĐH đặt vấn đề, một số nước lồng kiến thức khởi nghiệp vào chương trình đào tạo học sinh từ bậc nhỏ đến lớn, liệu Việt Nam có làm được điều này không? Theo đại diện này, khi xây dựng đề cương môn học, cần lồng nội dung khởi nghiệp vào từng môn học mới tạo được hiệu quả.
Ông Dương Văn Bá đồng tình: “Nội dung khởi nghiệp phải đưa vào các chương trình phổ thông từ bậc học nhỏ. Hiện nay đang đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, sẽ có những thay đổi ở chương trình mới nhưng phải sau năm 2018 mới bắt đầu đối với bậc học nhỏ. Như vậy, có lẽ phải 15 năm nữa, lứa học sinh này mới vào bậc ĐH. Từ nay đến lúc đó, chúng ta cần giải quyết phần ngọn, bổ sung cho lớp sinh viên hiện nay những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất”.
Hỏi – đáp hướng nghiệp Em rất thích làm phim nên muốn học ngành này, thế nhưng gia đình em lại không có điều kiện. Vậy em phải học trường nào để có sự hỗ trợ? – Một nam sinh lớp 12 Trường THPT Lê Thánh Tôn (TP.HCM). – ThS. Nguyễn Thành Tâm (Giám đốc tuyển sinh Trường Đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia) trả lời: Ngành này thuộc khối đào tạo mỹ thuật đa truyền thông, gồm thiết kế đồ họa 2D; thiết kế website; làm phim kỹ thuật số và làm phim hoạt hình 3D. Yêu cầu sinh viên theo học ngành này phải năng động, sáng tạo và có tư duy tốt. Hiện trường chúng tôi có đào tạo ngành này. Để hỗ trợ sinh viên khó khăn, trường có liên kết với ngân hàng chính sách cho sinh viên vay vốn hỗ trợ việc học với lãi suất 0%. Em yêu thích thiết kế, may mặc nên muốn biết các trường đào tạo ngành này như thế nào? Cơ hội việc làm của ngành này ra sao? – Kim Ngân (lớp 12A1 Trường THPT Long Thới, TP.HCM). – ThS. Trà Thanh Trung (ĐHQG TP.HCM) trả lời: Đối với những em khéo tay, có năng khiếu vẽ, sáng tạo và khả năng thiết kế tốt cộng với niềm đam mê yêu thích thì vô cùng hợp lý khi lựa chọn ngành may mặc. Nếu theo học trung cấp, người học được đào tạo kỹ thuật may mặc. Còn học ĐH thì được trang bị kiến thức về quá trình sản xuất; nguyên liệu, dây chuyền may; kiến thức về mỹ thuật, thẩm mỹ… Hiện ngành công nghiệp may ở Việt Nam đang rất phát triển, nhu cầu nhân lực nhiều, thông thường các công ty có xu hướng tuyển dụng nhân công được đào tạo bài bản vì thế người học xong ra trường có cơ hội việc làm rất lớn. Đối với người học ĐH, ngoài tham gia may, thiết kế còn có thể giảng dạy, tổ chức quản lý, sản xuất… N.Trinh (ghi) |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Đức nhấn mạnh, đã đến lúc nên đưa những kiến thức khởi nghiệp vào bậc phổ thông đến ĐH. Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM từ 2012 đến nay, môn nhập môn ngành được đưa vào đào tạo. Môn này mang dáng dấp của môn học về khởi nghiệp và đã có tác động tích cực đến sinh viên. Có lẽ tới đây, khi xây dựng chương trình đào tạo mới áp dụng từ khóa 2018 trở về sau, trường sẽ bổ sung kiến thức khởi nghiệp sâu hơn, nhiều hơn vào môn này.
Ông Bá thông tin, ngoài việc giao xây dựng đề án này, Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiên cứu để đưa vào chương trình giảng dạy nội dung về khởi nghiệp. Đối với bậc ĐH, Vụ Giáo dục ĐH được giao nghiên cứu chương trình này. Có thể năm 2017, vụ sẽ đề xuất đưa nội dung khởi nghiệp vào các môn học bậc ĐH-CĐ trong chương trình đào tạo chính thức. Đối với phổ thông, hiện nay bộ đang xây dựng chương trình phổ thông mới, những vấn đề liên quan đến kỹ năng và kiến thức hỗ trợ học sinh bộ cũng đã có chủ trương đưa vào.
Mê Tâm
Bình luận (0)