Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Không nên lạm dụng nước tăng lực

Tạp Chí Giáo Dục

Cùng với các loại nước trái cây, sinh tố, kem, nước khoáng, nước tăng lực có tác dụng giải khát cho cơ thể trong những ngày nóng bức. Tuy nhiên, nếu lạm dụng và uống quá nhiều loại nước này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe vì những tác dụng phụ của nó.

Uống nhiều nước tăng lực có thể gây hàng loạt tác dụng phụ có hại cho người tiêu dùng. Ảnh: I.T

Nước tăng lực thành chủ lực

Anh Tấn – chủ đại lý nước ngọt Tấn Khuyên, Q.Thủ Đức chia sẻ: “Cùng với bia các loại, nước ngọt, nước tăng lực cũng là mặt hàng thường xuyên bán chạy nhất là vào dịp lễ tết hay mùa nắng nóng”. Theo lời kể của ông chủ 40 tuổi, dù trong kho lúc nào cũng trữ hàng ngàn thùng nước ngọt, nước tăng lực nhưng cũng có khi không đủ hàng giao cho các đại lý nhỏ lẻ khác”. Đây cũng là điều dễ hiểu vì hiện nay, thay vì uống các loại nước giải khát như chè xanh, trà đá, rau má, dừa tươi thì người tiêu dùng đang từ chối các loại nước giải khát truyền thống này để làm bạn với các loại nước uống có ga. Chính vì thế, cùng với các loại nước ngọt như Coca Cola, Pepsi, Seven Up, nước tăng lực đang là một mặt hàng ưa chuộng.

Chị Ngà ngụ ở đường Tên Lửa, Q.Bình Tân kể: “Ở trong Nam dùng nước tăng lực nhiều nhưng cũng không phổ biến như ở ngoài miền Bắc. Hình như nước tăng lực đã phổ biến khắp nơi. Mỗi lần về quê khi đi mua quà biếu bạn bè người quen, người thân trong gia đình đều khuyên mua một lốc nước tăng lực mới có giá trị”. Dù không quen với loại nước này nhưng là khách quý nên đi đâu người phụ nữ quê ở huyện miền núi tỉnh Nghệ An cũng được chiêu đãi các loại nước tăng lực mà chủ yếu là “bò húc” để bồi bổ sức khỏe.

Hiện nay, không thể kể hết các loại nước tăng lực đang phủ sóng trên thị trường nước giải khát. Nhằm phô trương sức mạnh và biểu dương lực lượng các loại nước tăng lực đều lấy tên những con thú dũng mãnh để định danh như Red Bull (bò đỏ), Rhino (tê giác), Gold Cow (bò vàng), Super Lion (siêu sư tử). Đó cũng là tên của các loại nước tăng lực thể hiện được sức mạnh cuộc sống như Lipovitan (vitamin sống), Revive (hồi sinh).

Trẻ con uống nhiều nước tăng lực hoàn toàn không có lợi

“Đối với trẻ con, uống nhiều nước tăng lực hoàn toàn không có lợi, khiến trẻ cảm thấy no, chán ăn, không muốn ăn và ăn không đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu. Hậu quả là trẻ có thể bị thiếu dinh dưỡng, dẫn đến suy dinh dưỡng. Nói chung là đừng quá lạm dụng nước tăng lực vì không tốt cho sức khỏe và luôn ghi nhớ và cảnh giác những tác dụng không mong muốn của sản phẩm nước tăng lực” – PGS.TS Nguyễn Hữu Đức khuyến cáo.

TS.BS Trần Bá Toại – Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam cho hay, thành phần chính trong các loại nước tăng lực có khác nhau nhưng tựu trung thường có các chất: caffeine (hoạt chất cà phê), taurine, các vitamin nhóm B, saccharose (đường mía), glucose (đường glucose). Ngoài ra, có thể có đường hóa học để làm chất tạo ngọt với mục đích sản xuất loại nước tăng lực không đường, dành cho người béo phì, đái tháo đường. Theo TS.BS Toại, đặc biệt hai thành phần taurine và caffeine có trong nước tăng lực có tác dụng làm sảng khoái, khỏe khoắn và chống buồn ngủ. Đây chính là điểm cộng của nước tăng lực để có sức hút mạnh mẽ với người tiêu dùng. Không ít người khi uống nước tăng lực thì thấy tinh thần sảng khoái, đầu óc tỉnh táo và hưng phấn hơn trước. Vì thế dần dần nước tăng lực đã trở thành người bạn hàng ngày của họ.

Cảnh giác với tác dụng không mong muốn

Không thể phủ nhận những tác dụng trực tiếp của nước tăng lực đối với cơn khát. Với thành phần dinh dưỡng chung như nêu trên, rõ ràng các loại nước tăng lực đều tốt cho người lao động kéo dài, công việc đều đặn, sẽ vừa mất nước vừa buồn ngủ nên uống nước tăng lực là hợp lý và khoa học. Tuy nhiên cần lưu ý đến một số tác dụng không mong muốn khi uống nước tăng lực đã được ghi nhận và xảy ra trong thực tế như cảm giác hồi hộp, nhịp tim nhanh, buồn ói, chóng mặt, nhức đầu, khó ngủ. Do đó cần phải uống trong giới hạn cho phép. Chỉ nên uống tăng lực tối đa không quá 4 lon mỗi ngày là vừa đủ. Đặc biệt không để cho phụ nữ có thai, trẻ em, người cao tuổi, người bệnh tim, đái đường hoặc có bệnh mãn tính uống tăng lực, không cho người say rượu, lao động nặng uống tăng lực.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức – Trường ĐH Y dược TP.HCM, bên cạnh tác dụng làm tỉnh táo, hưng phấn, thoải mái tinh thần tạm thời trong khoảng vài giờ, nước tăng lực có thể gây hàng loạt tác dụng phụ có hại cho người tiêu dùng. Nếu người tập thể dục thể thao nặng mà uống nước tăng lực để bù nước và bù chất điện giải thì lợi bất cập hại, vì loại nước này hoàn toàn không có tác dụng bù nước cũng như chẳng có chất điện giải nào để bù. Cũng giống như các loại nước ngọt, nước có ga, uống nhiều nước tăng lực thì càng thiếu nước và chất điện giải, làm giảm hiệu quả luyện tập, tăng nguy cơ chấn thương. Đối với trẻ con, uống nhiều nước tăng lực hoàn toàn không có lợi, khiến trẻ cảm thấy no, chán ăn, không muốn ăn và ăn không đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu. Hậu quả là trẻ có thể bị thiếu dinh dưỡng, dẫn đến suy dinh dưỡng. Nói chung là đừng quá lạm dụng nước tăng lực vì không tốt cho sức khỏe và luôn ghi nhớ và cảnh giác những tác dụng không mong muốn của sản phẩm nước tăng lực.

Nguyễn Hoàng Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)