Bước vào lớp, thấy mấy vỏ bánh kẹo trên bàn chưa được dọn sạch sẽ, tôi hỏi: “Ai ăn xong mà xả rác bừa bãi vậy?”. Không thấy học sinh nào nhận trách nhiệm về mình. Tôi nói tiếp: “Vậy từ nay thầy sẽ đi dọn rác cho hành vi vứt rác của các em nha”. Thế là em lớp trưởng đứng lên: “Thưa thầy, để em dọn ạ!”, dù em lớp trưởng không hề xả rác.
Khi thấy lớp trưởng đã dọn xong, tôi nói tiếp: “Tại sao các em ăn vặt bỏ rác không đúng nơi quy định mà không dám nhận? Tại sao bao nhiêu lời nhắc nhở trước nay của thầy mà các em không nhớ? Ai cũng có những lúc vô tình vi phạm lỗi gì đó, nhưng đã sai thì phải nhận sai rồi sửa đi chứ, thầy và bạn lớp trưởng không thể nào đi khắc phục lỗi của các em mãi được”.
Thường thì vào đầu năm học, đúng hơn là buổi học đầu tiên khi học sinh bước vào năm học mới, tôi thường đề ra những yêu cầu mà các em phải thực hiện. Như không ăn uống trong giờ học, không xả rác, không chửi tục… Và, yêu cầu đầu tiên là hãy trung thực trong mọi hành vi và lời nói. Trung thực có khó không? Thưa rằng rất khó, cả đời một con người có thể cũng tập luyện chưa thành. Nên sẽ rất khó đòi hỏi ở học sinh nhưng không có nghĩa là bỏ qua, mà tôi biết các em sẽ tập dần qua từng việc nhỏ trong sinh hoạt tại trường. Có câu châm ngôn rằng “Ai trung tín trong việc nhỏ sẽ trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn”. Vì vậy, tôi yêu cầu học sinh phải trung thực, không nói dối, sai phạm thì nhận là sai phạm; và tôi thường có hình phạt rất nặng cho hành vi chối quanh co, không nhận cái sai về mình của bản thân học sinh. Dù đó là xả rác trong lớp học, là chưa làm bài tập mà cứ nói khó nên không làm… Mọi việc đều được tôi yêu cầu giải thích và có hướng khắc phục nên học sinh rất có ý thức trong việc hoàn thành các yêu cầu do tôi đề ra.
Theo tôi, nên yêu cầu khắt khe với học sinh từ những hành vi nhỏ, đừng vì các em nhỏ mà xí xóa và bỏ qua, mà nên tận dụng những trường hợp sai lỗi xảy ra để hình thành phẩm chất trung thực trong các em. Giáo dục các em tôn trọng sự thật và có trách nhiệm với hành vi mình tạo ra dù đó là những điều tầm thường nhỏ nhặt.
Như Mây (TP.HCM)
Bình luận (0)