Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mong không còn “cưỡi ngựa xem hoa”

Tạp Chí Giáo Dục

Ở tiểu học, học sinh được học mỹ thuật từ lớp 1. Thế nhưng, qua 5 năm học, các em dường như chẳng tiếp thu được gì nhiều từ các tiết học mỹ thuật ở trường.

Hiện nay, chương trình mỹ thuật ở tiểu học, trên lý thuyết thì rất hay, rất rộng về tính thẩm mỹ, sáng tạo…, nhưng thực tế, chương trình không có chiều sâu và không phù hợp với học sinh. Cụ thể, học sinh không được học những gì mà các em có thể ứng dụng được trong cuộc sống hàng ngày, cũng như phát triển được năng khiếu mỹ thuật, hội họa của bản thân.

Chương trình hiện tại có quá nhiều nội dung phải học như: thường thức mỹ thuật, vẽ trang trí, vẽ theo mẫu, vẽ chân dung, vẽ theo đề tài, kẻ vẽ chữ, nặn tạo dáng… Mỗi nội dung các em chỉ học một vài tiết. Nhiều bài yêu cầu học sinh vẽ vượt quá khả năng; chẳng hạn như chương trình lớp 4, lớp 5 – học sinh có khá nhiều tiết vẽ theo đề tài như vẽ theo chủ đề: phong cảnh quê hương, ngày hội quê em, trường em, an toàn giao thông, vui chơi trong mùa hè… (ở lớp 4) hay vẽ theo đề tài quân đội, ngày tết, lễ hội và mùa xuân, môi trường, ước mơ của em… (ở lớp 5). Một tiết học mỹ thuật ở tiểu học chỉ từ 35 đến 40 phút. Với nội dung vẽ theo đề tài như thế, các em phải tưởng tượng, chọn lọc hình ảnh mình muốn vẽ, sắp xếp bố cục trên giấy, vẽ, tô màu. Em nào có năng khiếu vẽ cũng không thể nào hoàn thành trong một tiết học. Vậy là giáo viên thường cho các em về nhà tiếp tục vẽ. Em nào thích vẽ, về nhà còn cố gắng hoàn thành, em nào không thích thì thường bỏ dở những bài học vẽ theo đề tài như thế. Nhìn đề tài yêu cầu vẽ ở tiểu học, có họa sĩ đã nói những đề tài này nên để cho học sinh lớp năng khiếu hội họa ở các trường mỹ thuật mới phù hợp.

Trong khi đó, những tiết học cần thiết cho học sinh trong đời sống như kẻ vẽ chữ thì được học đại khái. Cụ thể, học sinh lớp 4 chỉ học 1 tiết duy nhất là “Tìm hiểu về kiểu chữ nét đều” và thực hành là tô màu chữ đã vẽ sẵn. Học sinh lớp 5 chỉ được học 2 tiết là “Tìm hiểu về kiểu chữ in hoa nét thanh, nét đậm” với phần thực hành là kẻ vẽ chữ A, B và “Tập kẻ chữ in hoa nét thanh nét đậm” là kẻ vẽ chữ “chăm”. Chỉ học qua loa như thế, vậy mà sau đó, học sinh lớp 5 lại có tiết học yêu cầu “Vẽ trang trí đầu báo tường”, “Vẽ trang trí cổng trại hoặc lều trại thiếu nhi”. Vì vậy, chữ học sinh thường vẽ trên đầu báo tường, trên cổng trại là chữ viết các em viết trong vở mỗi ngày.

Chương trình mỹ thuật ở tiểu học cũng có vài tiết tập nặn tạo dáng như: “Nặn con vật quen thuộc”, “Nặn dáng người”, “Nặn tạo dáng đề tài ngày hội”, “Nặn tạo dáng đề tài tự chọn”… Mỗi bài chỉ có 1 tiết. Những ai đã từng chơi nặn đất sét thuở nhỏ cũng biết, không phải ai cũng có năng khiếu để nặn ra hình ra dáng và muốn nặn ra một hình thù nào đó thì phải luyện tập thường xuyên thì mới thành hình. Với học sinh tiểu học, yêu cầu phải nặn ra hình ra dáng chỉ trong 1 tiết học là điều không thể. Bởi thế, khi các em nộp bài, giáo viên thường phải hỏi: “Em nặn con gì?”, “Em nặn cái gì?” để có thể nhận xét, góp ý. Chương trình như thế nên học sinh học mỹ thuật như cưỡi ngựa xem hoa. Vì vậy, các giáo viên mong có một bộ sách dạy mỹ thuật thật sự phù hợp với lứa tuổi tiểu học, đem đến sự hứng thú học tập và khơi dậy được năng khiếu mỹ thuật của học sinh tiểu học.

Nhân Tâm

Bình luận (0)