Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thi trắc nghiệm môn hóa: Nắm vững kiến thức nền chương trình phổ thông

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn làm tốt bài thi trắc nghiệm hóa học, các em học sinh phải bình tĩnh đọc kỹ đề, biết luận giải… Ảnh: Anh Khôi

Để đạt điểm tốt trong bài thi trắc nghiệm môn hóa, điều trước tiên học sinh phải nắm vững kiến thức nền của chương trình phổ thông, ngoài kiến thức sách giáo khoa lớp 12, cần lưu ý nắm chắc thêm một số kiến thức căn bản lớp 10 và 11. Bên cạnh đó các em cần làm nhiều dạng bài tập, không chỉ bài tập trắc nghiệm mà cần làm thêm các dạng bài tập tự luận để hiểu bài học và nắm kiến thức. Nếu không thành thạo trong giải bài tập tự luận thì các em khó có thể đánh bài thi trắc nghiệm đúng, bởi vì có một số câu hỏi chỉ cần ghi nhớ nhưng cũng có nhiều câu hỏi đòi hỏi trình độ học sinh phải biết luận giải mới tìm được đáp án. Việc củng cố kiến thức và làm các dạng bài tập cần được thực hiện ngay khi kết thúc một chương học trong sách giáo khoa.

Thông thường bài thi trắc nghiệm môn hóa, phần lý thuyết chiếm đến 2/3. Do đó, để làm bài tốt, ngoài sự bình tĩnh là cần thiết, các em cần chia bài thi thành hai phần: Lý thuyết và bài tập. Trong đó phần lý thuyết đa số là các kiến thức căn bản nên làm trước để đảm bảo đạt được điểm tuyệt đối và không mất thời gian. Câu hỏi khó để dành làm sau. Tương tự như vậy với phần bài tập. Không nên vội vã. Chỉ khi thời gian còn quá hạn hẹp, chưa tính ra kết quả thì mới đánh “lô tô” may rủi.

Khi làm bài, các em chú ý đọc kỹ đề, xoáy vào câu hỏi có từ nhấn mạnh: đúng hoặc không đúng để chọn đáp án, tránh việc đọc lướt sẽ dễ nhầm lẫn.

Khi ôn tập, các em cần nắm vững sơ đồ phản ứng, ghi nhớ các đại lượng. Ở phần hóa hữu cơ, dạng toán đốt cháy, thì phải nắm được tỷ lệ số mol của sản phẩm. Ví dụ câu số 16 (đề thi minh họa), các em chỉ cần ghi nhớ 1 mol glucozơ sẽ tạo thành 2 mol Ag. Lưu ý là các em phải đọc đề thật kỹ, với các bài toán chưa chắc chắn đáp án thì nên thử lại kết quả.

Một dạng toán hay gặp trong hóa vô cơ đó là dãy điện hóa. Đây cũng là phần trọng tâm được nhắc đến nhiều nhất trong chương trình học. Các em lưu ý đến những bài toán thuộc dãy điện hóa không phản ứng trực tiếp mà khi các sản phẩm tạo ra thì nó tiếp tục phản ứng với sản phẩm. Ví dụ như câu hỏi số 13 (đề minh họa), khi Cu phản ứng với Fe2O3 và dung dịch HCl dư thì sẽ tạo thành CuCl2 và FeCl2 chứ không phải tạo thành FeCl3, bởi vì ban đầu Cu không phản ứng nhưng sau đó sẽ phản ứng với sản phẩm thu được. Ngoài ra cần chú ý đến những dạng toán liên quan đến Fe và HNO3, nhất là nắm vững kiến thức các chương trình lớp 10 và 11. Ví dụ như câu hỏi 27, 28 (đề minh họa) thì tính ôxy hóa NO3 – là kiến thức lớp 11 (đây cũng là kiến thức rơi vào phần giảm tải nên quá trình ôn tập cần chú ý), Fe thể hiện tính axít là kiến thức lớp 10. Hay câu 37 (đề minh họa) buộc các em phải vận dụng kiến thức lớp 11, về phản ứng ôxy hóa, phần này chỉ lướt qua ở chương trình lớp 12. Các em cũng cần lưu ý nắm vững các kiến thức về định luật bảo toàn nguyên tố. Ví dụ như câu hỏi 40 (đề minh họa), cần xác định đây là dạng bài tập buộc các em phải nắm vững định luật bảo toàn nguyên tố ôxy, nguyên tố nitơ…, nếu chỉ tập trung vào các đơn vị X, Y, Z… thì không thể cho ra kết quả đúng.

Theo tôi, các em phải thực hiện thuần thục việc ôn tập, bổ sung kiến thức bằng cách làm nhiều dạng bài tập, nhiều dạng đề từ các nguồn tư liệu. Sau mỗi dạng bài tập, cần rút ra kinh nghiệm cũng như có tư duy tổng hợp để không bị lúng túng khi gặp lại dạng bài đó trong đề thi. Cuối cùng, các em cần bình tĩnh, đọc kỹ đề thi, tập trung để hoàn thành tốt nhất bài làm trong khả năng có thể một cách nhanh, chính xác, tránh bị phân tâm bởi một buổi phải thực hiện tổ hợp 3 môn thi.

Hoàng Thị Lê
(Tổ trưởng bộ môn hóa
Trường THPT Cửa Tùng, Quảng Trị)

Bình luận (0)