Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chủ nhà trọ “bẫy” sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Nhu cầu nhà trọ của sinh viên từ các tỉnh đến TP.HCM học là một nhu cầu bức thiết. Nắm bắt, tâm lí cần nhà ở của sinh viên nhiều chủ nhà đã nảy sinh lòng tham trắng trợn lừa gạt tiền cọc, đẩy sinh viên cảnh tiền mất mà không có phòng ở. Bằng những cách thức như chụp ảnh phòng đẹp, giá rẻ, đầy đủ tiện nghi… khiến cho nhiều sinh viên sập bẫy.

Hợp đồng đóng tiền cọc

Đủ loại tiền cọc

Từ thông tin đăng cho thuê phòng trọ với giá rẻ trên mạng, Tiến (sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) đã tìm đến thuê phòng tại số 205… Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, sau khi xem phòng Tiến đã đặt cọc ở đó 1,3 triệu đồng. Bên cho thuê ghi giấy đặt cọc giữ phòng và hẹn ngày đến làm hợp đồng chính thức. Đến ngày làm hợp đồng, thay vì là người phụ nữ tiếp Tiến lần trước, lần này là một người đàn ông xăm trổ ra làm việc. Tiến hoảng hốt vì ở đâu “đẻ” ra những điều khoản vô lí. Người đàn ông này cho biết “ngoài tiền đặt cọc nhà 1 tháng, phải đóng thêm nhiều chi phí như bảo vệ, tiền an ninh, tiền đặt cọc máy lạnh 2,5 triệu đồng/ cái?, đặt cọc máy nước nóng lạnh 1 triệu, tiền đặt cọc cho tủ lạnh 2 triệu, ti vi 500.000 đồng…” nếu không đặt cọc thì không cho ở. Dĩ nhiên nếu bỏ phòng thì không thể lấy lại tiền cọc.

Với chiêu bài khá cũ là rao cho thuê những căn phòng đẹp giá rẻ nhằm tìm kiếm những “con mồi” đến xem rồi tiến hành làm giấy hẹn, tỏ ra rất chuyên nghiệp đã gây được lòng tin của người thuê. Tuy nhiên, tới ngày hẹn người thuê đến nhận phòng thì bên cho thuê lại dựa vào sự mơ hồ để đưa ra nhiều yêu cầu khác để người thuê không muốn nhận phòng dĩ nhiên là từ bỏ cọc.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng – Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống sinh viên thuộc Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP.HCM cho biết: “Để đảm bảo uy tín, tránh những sự cố đáng tiếc sinh viên có nhu cầu thuê phòng trọ có thể lên trang web hỗ trợ sinh viên của trung tâm. Đây là những nguồn uy tín và đã được kiểm chứng”.

Ngoài ra, tại một địa chỉ trên đường Trần Thị Nghỉ, phường 7, quận Gò Vấp, cũng xảy ra tình trạng trên. Theo ghi nhận, hằng ngày, nơi đây có nhiều người (đa số là sinh viên) đến đặt cọc, làm hợp đồng thuê phòng. Người đến thuê đều được dẫn đi xem một căn phòng đang có người ở với lời hứa hẹn: “Chuyển đến khi nào cũng được vì những người này sắp dọn đi”. Thế nhưng khi chính thức đến nhận phòng thì có điều khoản mới đã được thêm vào hợp đồng tạm trước đó như tiền đổ rác 200.000 đồng, chỗ để xe 200.000 đồng… những chi phí phát sinh khiến cho người thuê không thể gánh nổi mức tiền nhà cao ngất đành bỏ cuộc và dĩ nhiên là mất cọc.

Những người tiếc cọc và bực tức trước những trò gian lận, lừa lọc của chủ phòng trọ đã yêu cầu trả cọc thì chỉ nhận được những lời đe dọa. Người chủ nhà này đã trả lời: “Anh nói cho em biết là do em không đóng đủ cọc, nên em không thể ở và em cũng đừng hòng nhận được đồng nào”. Trước sự hung hăng, trắng trợn của bọn lừa đảo người thuê trọ đành cắn răng bỏ tiền cọc.

Chưa biết kêu ai?

Điều khoản khiến người đặt cọc không nhận được cọc

Không riêng gì Tiến mà theo tìm hiểu thì còn nhiều bạn sinh viên khác cũng dính vào “cái bẫy” này. Chúng tôi đã gọi các số điện thoại ghi trên trang tìm cho thuê nhà nhưng không liên lạc được. Như vậy, sau một thời gian rao thuê phòng và thực hiện chiêu trò thành công thì lại đổi một số điện thoại khác, tiếp tục với người khác.

Trong vai người thuê phòng, chúng tôi tìm đến các địa chỉ trên, điều khá ngạc nhiên là rất nhiều người dân xung quanh khi được hỏi đều khuyên đừng thuê phòng ở đây. Người dân còn cho biết thêm, tình trạng người thuê phòng bị lừa đã xảy ra hơn 1 năm nay. Thương mấy đứa sinh viên nghèo, ít tiền còn bị chúng lừa đe dọa đòi đánh. Có sinh viên không lấy được tiền vừa đi vừa khóc.

Không biết cách nào, những nạn nhân đành viết cảnh báo đăng lên các trang mạng xã hội, các trang rao vặt, tìm nhà để cảnh báo cho nhiều người biết để đề phòng. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại vẫn có nhiều người bị “dính bẫy”. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng nên sớm vào cuộc để nhanh chóng chấm dứt tình trạng này. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cũng không nên tìm phòng trọ ở những trang mạng không đáng tin tưởng, thay vào đó hãy tìm đến những trung tâm giới thiệu nhà ở cho sinh viên. Những nơi này khi đăng tin đã có kiểm chứng và an toàn.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng – Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống sinh viên thuộc Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP.HCM cho biết: “Để đảm bảo uy tín, tránh những sự cố đáng tiếc sinh viên có nhu cầu thuê phòng trọ có thể lên trang web hỗ trợ sinh viên của trung tâm. Đây là những nguồn uy tín và đã được kiểm chứng”.

Phạm Quyên

Bình luận (0)