Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Mạng lưới trường nghề công lập: Nên quy hoạch theo địa bàn dân cư

Tạp Chí Giáo Dục

Sở LĐ,TB&XH TP.HCM vừa tổ chức họp bàn góp ý dự thảo đề án Đổi mới cơ chế, chính sách giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP chủ trì cuộc họp. Ảnh: T.Tr

Mục tiêu đề án là rà soát, đổi mới thực hiện cơ chế chính sách GDNN, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ngoài công lập thành lập cơ sở GDNN và đăng ký hoạt động đào tạo nghề nghiệp. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề người lao động, tăng cường liên kết với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, phấn đấu đến cuối năm 2020 có 85% lao động đang làm việc trong doanh nghiệp được đào tạo nghề.

Để đề án này “sống” được, TS. Nguyễn Phan Hòa, Hiệu trưởng Trường TC nghề Nhân Đạo góp ý: TP.HCM cần quy hoạch mạng lưới trường nghề công lập theo địa bàn dân cư chứ không theo địa giới hành chính như lâu nay. Bên cạnh đó, không đầu tư dàn trải, không tổ chức giảng dạy tràn lan mà phải chọn ngành nghề mẫu.

Cùng quan điểm, ông Lê Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP cho rằng: “Việc quy hoạch mạng lưới dạy nghề theo cụm rất lãng phí con người, tài chính và đất đai. Một số trường cần thiết phải sáp nhập và quy hoạch cả ngành nghề đào tạo”.

Nhiều đại biểu góp ý, các cơ sở GDNN của Nhà nước không đáp ứng nguồn nhân lực của TP, vì vậy nên phối hợp với doanh nghiệp thí điểm dạy song hành lý thuyết tại trường và thực hành tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư đào tạo nghề, TP nên cho sử dụng đất nông nghiệp để mở trường…

Ông Võ Phước Nguyện, Phó Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ,TB&XH TP.HCM) cho rằng, TP cần tính đúng tính đủ về chi phí đào tạo bởi thời gian đào tạo chương trình dài hạn nhưng kinh phí cấp trên người học như hiện nay là rất thấp.

Từ các ý kiến đóng góp, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP.HCM yêu cầu phòng dạy nghề sớm hoàn chỉnh đề án trình UBND TP.HCM, trong đó đề xuất cụ thể chế độ về đất, thuế, vốn dành cho doanh nghiệp, cơ sở GDNN.

Ông Lâm cũng cho biết, từ nay đến 2025, các trường không có năng lực tuyển sinh sẽ xem xét sáp nhập để tập trung đầu tư nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của TP.

Trọng Tri

Bình luận (0)