Đây là chủ đề dự án STEM được cô Nguyễn Thị Kim Hoa (Tổ trưởng Tổ công nghệ Trường THPT Long Trường, Q.9, TP.HCM) triển khai cho hơn 400 học sinh lớp 11 của trường. Từ những lốp xe cũ kỹ đã bỏ đi, được học sinh “hô biến” thành những bộ bàn ghế, tách trà, chậu hoa, đồ chơi bập bênh… hết sức ấn tượng.
Nhiều sản phẩm được trưng bày trước hành lang lớp 11A6
Được phát động từ đầu năm học, dự án “Sáng tạo cùng lốp xe” đã đưa các tiết học công nghệ khô khan trở nên có hồn và sinh động. Trên hết, theo cô Hoa, dự án còn là cầu nối giúp học sinh trang bị những kỹ năng thực tế, sử dụng các dụng cụ trong gia đình một cách thành thạo, xa hơn là định hướng nghề nghiệp. “Ở bộ môn công nghệ, học sinh được cung cấp những kiến thức về hình khối, chất liệu. Sử dụng lốp xe trong dự án, các em sẽ phải suy nghĩ làm sao vận dụng những kiến thức đã học, cùng với sự sáng tạo của mình để tạo ra những sản phẩm hữu dụng và ấn tượng, giáo viên chỉ đứng ở vai trò hướng dẫn các em cách thực hiện ý tưởng”, cô Hoa chia sẻ.
Từ chất liệu lốp xe, nhiều sản phẩm độc đáo như bộ bàn ghế, tách trà, chậu hoa… được học sinh tạo ra và trang trí ngay trước hành lang lớp học. “Nhiều em hỏi rằng, lốp xe cứng quá, để sáng tạo thì phải làm sao? Vậy là phải dùng khoan, dùng cưa, dùng đục. Từ đó các em hiểu được vì sao lốp xe chịu được tải trọng của những chiếc xe tải, container. Nhất là phải tìm tòi để ý tưởng phù hợp nhất với chất liệu. Nhiều em trước giờ chưa từng cầm cây kéo, cái khoan bao giờ, đụng vào sợ đứt tay, dự án đã mang đến những trải nghiệm thực tế để các em trưởng thành hơn, đơn giản là có thể tự tin bắt mũi khoan vào tường giúp ba mẹ”, cô Hoa cho biết.
Góp vào dự án 5 bộ bàn ghế, 2 chậu hoa và 1 bộ bập bênh, lớp 11A1 mất 2 tuần để hoàn thành, tận dụng thời gian nghỉ, hẹn nhau làm việc nhóm. “Cả lớp chia 6-7 nhóm, mỗi nhóm có nhiệm vụ khác nhau. Khoảng 30 lốp xe đã được dùng (đi nhặt hoặc mua với giá rẻ ở các tiệm sửa chữa xe). Ban đầu không tìm ra ý tưởng hay, nhưng về sau, chúng em chia nhau tìm kiếm trên mạng internet thì thấy ý tưởng rất nhiều, điều quan trọng là phải lựa chọn được ý tưởng phù hợp và phải đồng tâm hợp lực mới tạo ra được sản phẩm”, Trần Thị Kiều Trang (thành viên lớp 11A1) cho biết. Một thành viên khác của lớp 11A1 – Nguyễn Đường Gia Bảo cho biết ngoài việc biết thêm những kiến thức về kỹ thuật, thẩm mỹ, sáng tạo thì em còn được trang bị kỹ năng làm việc nhóm, cách lên ý tưởng, cách thực hành những dụng cụ “tưởng quen mà không quen” như búa, kìm, khoan… “Bây giờ mỗi bộ bàn ghế tạo ra cho lớp những góc học tập mới vào đầu giờ học hay giờ ra chơi”, Bảo vui vẻ nói.
Bộ bàn ghế trước cửa lớp 11A1 trở thành góc học tập cho học sinh
Với sản phẩm độc đáo – bộ tách trà làm từ lốp xe – Nguyễn Thị Ngọc Thảo và Châu Mỹ Quyên (lớp 11A6) khiến cho giáo viên và các bạn học sinh trong trường bất ngờ. “Chúng em sử dụng lốp xe đạp, qua nhiều công đoạn rửa, cắt tạo thành các chi tiết nhỏ rồi gắn lại bằng keo dán sắt. Khó nhất là khoét lỗ gắn vòi trên ấm trà bởi lốp xe khi dán keo dán sắt sẽ rất cứng. Quá trình hoàn thành sản phẩm đã giúp chúng em thử thách bản thân, biết sức sáng tạo của mình đến đâu, mình có thể làm được những gì”, Mỹ Quyên chia sẻ. Ngoài bộ tách trà, lớp 11A6 còn có thêm chậu cây, bộ bàn ghế.
“Điều mừng nhất là dự án khơi lên được sự thích thú cho học sinh trong môn học. Khuyến khích các em tìm tòi, học hỏi. Qua từng sản phẩm, giúp các em thấy kiến thức bài học gần gũi, va chạm với từng “lát cắt” của thực tế. Mỗi sản phẩm tạo ra là món quà nhỏ các em gửi tặng nhà trường, làm cho trường đẹp hơn. Song song đó, dự án còn là phương pháp hiệu quả nhất để giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường”, cô Hoa khẳng định.
Bài, ảnh: Đ.Yến
Bình luận (0)