Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Để tiết đọc thư viện tốt hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, đồng thời tăng cường nhận thức của học sinh đối với văn hóa đọc, nhiều trường học đã đẩy mạnh công tác khuyến đọc, trong đó có việc tổ chức tiết đọc thư viện. Theo đó, tiết đọc thư viện không chỉ giúp học sinh hình thành và phát triển thói quen đọc sách, mà còn là dịp để các em tìm hiểu và rèn luyện các kỹ năng đọc. Tuy vậy, có thể do nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan mà tiết đọc thư viện ở một số trường diễn ra theo tính chất phong trào, vui là chính, chứ không mang lại hiệu quả thực chất; hoặc trong quá trình thực hiện còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Chẳng hạn như, thay vì để học sinh chủ động trong thao tác tìm kiếm tài liệu có liên quan đến nội dung của tiết đọc, giáo viên lại làm luôn phần việc này. Lý do được đưa ra là phần để tiết kiệm thời gian, phần vì lo lắng học sinh tìm không đúng tài liệu theo yêu cầu. Việc giáo viên giành thế chủ động của học sinh trong trường hợp này sẽ khiến cho các em không có cơ hội rèn luyện kỹ năng tìm kiếm tài liệu mà còn sinh ra tâm lý ỷ lại vào thầy cô; thậm chí các em có nhận thức không tốt về hoạt động tiết đọc thư viện nói riêng và môi trường giáo dục nói chung. Bên cạnh đó, tiết đọc thư viện ở một số nơi còn chưa khai thác hết các kiểu hoạt động như: Đọc to nghe chung; cùng đọc; đọc cặp đôi; đọc cá nhân… Có thể vì ngại ngần thay đổi giáo án tiết đọc thư viện mà giáo viên đã để xảy ra tình trạng chỉ dừng lại ở việc lặp đi lặp lại một kiểu hoạt động cố định. Điều này gây ra hệ lụy trực tiếp là tạo cảm giác nhàm chán cho học sinh, và về mặt lâu dài, sẽ làm học sinh có cách nhìn méo mó về hoạt động đọc.

Ngoài hoạt động đọc, giáo viên còn có thể tổ chức cho học sinh tham gia các trò chơi nhẹ nhàng. Ví dụ như viết hoặc vẽ những gì mình thích trong câu chuyện; nói ra cảm nhận của bản thân về các nhân vật, về ý nghĩa bài học của quyển sách vừa đọc… Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, giáo viên lại sa đà vào các hoạt động này mà lãng quên nhiệm vụ trọng tâm là rèn luyện kỹ năng đọc cho học sinh. Ngoài ra, một số sai lầm thường gặp trong hoạt động triển khai tiết đọc thư viện có thể kể ra như: giáo viên không khéo léo trong việc sửa lỗi khi học sinh đọc trước lớp, khen ngợi học sinh này đọc tốt hơn học sinh khác ngay tại lớp, cố tình yêu cầu học sinh đọc to trước lớp khi các em đọc chưa tốt, phê bình nặng nề các câu trả lời sai của học sinh…

Để tiết đọc thư viện được thực hiện đúng bản chất, đúng yêu cầu mục tiêu, đòi hỏi giáo viên cần dành thêm thời gian nghiên cứu phương pháp thực hiện, tìm hiểu các cách làm hay của đồng nghiệp. Mặt khác, ban giám hiệu nhà trường cũng cần có sự quan tâm đúng mức, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên triển khai tiết đọc thư viện một cách hiệu quả, thay vì chỉ hợp thức hóa cách làm theo phong trào.

Đơn Thun

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)