Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khi tình yêu đủ lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù đã từng có khoảng thời gian chọn lối rẽ ngang con đường sư phạm khi đứng trước khó khăn của nghề, để rồi ngót chục năm sau ngày đó, tình yêu dành cho nghề giáo vốn còn âm  cháy đã thôi thúc thầy trở lại bục giảng, trở thành một GV môn vật lý được đồng nghiệp nể phục, HS yêu mến. Đó là thầy Lê Cư, GV môn vật lý, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng).

Thầy Cư dạy học trò ứng dụng sự phóng điện trong không khí ở điều kiện thường (Tia lửa điện), sáng kiến đoạt giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP.Đà Nẵng lần thứ 12 năm 2013

Gắn bó với bục giảng

Thầy Cư bảo, cứ mỗi tháng 11 về, lòng thầy lại nao nao khó tả. Không phải vì tháng ấy có ngày kỉ niệm nghề mà với thầy, đó là cả tình yêu và sự gắn bó không thể rời xa. Sự yêu nghề, yêu mến học trò khiến tâm hồn mình lúc nào cũng trẻ trung và khát khao làm được thật nhiều cho nghề. Thầy Cư kể, tốt nghiệp ĐHSP Quy Nhơn, năm 1983, thầy đầu quân về dạy học tại Trường THPT Hòa Vang (Đà Nẵng). “Ngày đó tôi vừa dạy học, vừa tranh thủ ngày nghỉ làm nghề tay trái sửa chữa điện tử để phụ thêm thu nhập. Thời điểm những năm 1988-1989, trụ được với nghề giáo cũng lắm gian nan, đứng trước nỗi niềm tinh giản biên chế, tôi đã quyết định chuyển sang nghề sửa chữa điện tử, hợp đồng dạy nghề cho Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng lúc bấy giờ”, thầy Cư nhớ lại.

Thầy bảo, nghề tay trái ấy thời điểm đó cũng rất được chuộng, cuộc sống nhờ đó đỡ nhọc nhằn hơn bởi thu nhập khá hơn nghề giáo. Nhưng dường như trong trái tim nóng bỏng của người thầy ấy, tình yêu dành cho nghề giáo khó dứt duyên nợ. Hơn chục năm sau ngày rẽ lối, năm 2000, sau nhiều đắn đo, thầy quyết tâm nộp hồ sơ thi công chức để trở lại ngành. “Khi quyết định trở lại bục giảng tôi cũng đắn đo lắm nhưng rồi dường như mình vẫn yêu nghề giáo và khát khao cống hiến với nghề. Thế rồi tôi đỗ công chức, nhận công tác về giảng dạy tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám từ đó tới nay”, thầy Cư nói. Suốt 15 năm kể từ ngày trở lại bục giảng đến nay, thầy Lê Cư liên tục đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, vinh dự được nhận 4 bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố, 3 bằng khen của Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp thành phố.

Lý thuyết gắn với thực tiễn

Thầy Cư trong một buổi giới thiệu về sáng kiến cho đồng nghiệp

Thầy Cư nói, vật lý là môn khoa học đòi hỏi thực tiễn cao. Chính nghề điện tử đã giúp thầy có nhiều hơn những bài giảng trực quan sinh động. Cũng từ đó thầy có nhiều đề tài mang tính sáng tạo bổ trợ cho các tiết học, được đánh giá cao. Hỏi thầy tâm đắc điều gì nhất trong các sáng kiến, sáng tạo, thầy nói đó là việc hoàn thành đề tài về ứng dụng quang trở vào việc tiết kiệm điện trong lớp học. Đề tài này cũng đã xuất sắc đạt giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 14, năm 2015. Với bộ quang trở được thầy sáng chế ra, ngoài việc ứng dụng vào tiết học cho HS thực hành để hiểu hơn bài học thì đề tài này còn góp phần tiết kiệm điện trong lớp học. Theo đó, bộ quang trở và biến trở được lắp đặt hệ thống cảm ứng tự động điều chỉnh độ sáng tùy theo mức ánh sáng của mặt trời trong ngày. Khi nào mặt trời có đủ ánh sáng vào lớp học thì bóng đèn sẽ tự động bị ngắt để tránh tốn điện. Và đặc biệt có thể điều chỉnh mức độ sáng của bóng đèn khi ánh sáng mặt trời chiếu vào lớp học có sự tăng, giảm thay đổi. Hiện sáng kiến này đã được thực nghiệm thành công tại một phòng học của Trường THPT Hoàng Hoa Thám – nơi thầy Cư dạy học.

Tháng 11, trong âm hưởng ngọt ngào của những ca từ về người GV nhân dân, cảm nhận rõ hơn ở thầy Cư một tình yêu trọn vẹn dành cho nghề giáo. Nói như thầy Cư: “Khi tình yêu đủ lớn, mọi khó khăn không còn nằm về phía đắn đo mà chỉ có sự dấn thân vì nghề!”.

Trong suốt ngần ấy thời gian giảng dạy của mình, thầy Cư còn thực hiện nhiều sáng kiến kinh nghiệm bổ ích phục vụ cho việc dạy học như sáng kiến cải tạo đồng hồ đo điện số 964 của bộ thí nghiệm. “Thời điểm đó, bộ đồng hồ điện số 964 dùng để kết nối với hộp công tắc để làm thí nghiệm thực hành đo gia tốc rơi tự do, đo hệ số ma sát. Chỉ trong ngày đầu tiên khi GV thực hiện bài thí nghiệm thì công tắc bị hư hỏng rất nhiều. Trong khi Bộ Giáo dục chỉ cung cấp 2 bộ, hư hỏng thì đợi dụng cụ thay thế rất lâu. Thấy hỏng, tôi lần mò mở đồng hồ ra xem thì thấy tuy hai bộ đồng hồ có cùng model nhưng cấu tạo khác nhau, mỗi bộ kết nối theo comple màu xám và màu vàng, nhưng nếu không để ý sẽ dẫn đến đấu nối nhầm lẫn gây ra hư hỏng thiết bị. Ngay sau đó tôi đã tìm ra biện pháp khắc phục sự cố bằng cách tạo ra một bộ công tắc với 2 công tắc riêng, nếu dùng cho đồng hồ màu vàng thì công tắc tương ứng sẽ có tác dụng”, thầy Cư kể.

Không dừng lại ở đó, các em HS ở trường còn lý thú với những chương học mang tính thực tiễn từ các sáng kiến của thầy Cư như Thí nghiệm dòng điện trên chân không, Sự phóng tia điện trong không khí ở điều kiện thường… Những tiết học vật lý của thầy qua đó bao giờ cũng trở nên sinh động.

Tháng 11, trong âm hưởng ngọt ngào của những ca từ về người GV nhân dân, cảm nhận rõ hơn ở thầy Cư một tình yêu trọn vẹn dành cho nghề giáo. Nói như thầy Cư: “Khi tình yêu đủ lớn, mọi khó khăn không còn nằm về phía đắn đo mà chỉ có sự dấn thân vì nghề!”.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)