Nhằm tiếp tục hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cây xanh ngã đổ và gãy nhánh trong mùa mưa năm nay, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM đang tích cực kiểm soát và giải quyết những cây xanh có vấn đề như sâu, bọng gốc, mục rễ… trên một số tuyến đường thành phố bằng các biện pháp xử lý triệt để.
Cây xanh mã số 120 trên đường Phạm Ngọc Thạch đã được bứng gốc do bị mục rễ |
Tháng 10 an toàn
Tiếp sau những ngày cuối tháng 8 với 60 vụ cây ngã đổ và gãy nhánh, gây tử vong 2 người, 1 người bị thương, hư hại 1 ô tô, 6 xe máy và một số hạng mục công trình, những ngày cuối tháng 9, tình trạng này lại tiếp diễn, nhưng rất may không có trường hợp nào gây thiệt hại đến tính mạng. Điển hình là cơn mưa giông chiều ngày 28-9, một cây xanh (cao khoảng 30m, đường kính khoảng 50cm, tán rộng và phần rễ mục nát) bất ngờ bật gốc, đổ ngang ra đường trước số nhà 29 Lê Quý Đôn (phường 7, quận 3) và đè trúng chiếc xe ô tô 4 chỗ. Trong lúc hoảng loạn, tài xế đã nhanh chân đạp cửa chạy thoát thân. Được biết, khu vực cây đổ là cổng sau của Trường THPT Marie Curie, rất may một số phụ huynh đang đứng chờ con đã kịp di chuyển nên không có người bị thương.
Sau vụ cây ngã đổ trên đường Lê Quý Đôn, khoảng 10 phút sau, nhánh của một cây sao trên đường Trần Quốc Thảo (Q.3) bị gãy đè lên 2 ô tô gây hư hỏng. Tương tự, một cây lim xẹt khá lớn cũng bị bật gốc chắn ngang đường Lê Lai (trước khách sạn New World), đè trúng 3 xe ô tô và 1 ô tô đang lưu thông, đồng thời làm gãy hai trụ điện và cột đèn. Trước đó, vào ngày 27-9, một cây lim xẹt ở Công viên 23-9 (quận 1) cũng bị ngã đổ làm cho hàng cột điện bị ngã dây chuyền và đè lên hàng loạt ô tô đang đậu ở khu vực này.
Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM khuyến cáo người dân không nên ẩn trú dưới gốc cây và hạn chế lưu thông khi trời mưa giông. Trong trường hợp gặp sự cố về cây xanh, cần liên hệ với đường dây nóng 08.39351351 (Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh) hoặc số 1022 (Tổng đài tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị). |
Sau hàng loạt vụ cây xanh ngã đổ vào cuối tháng 9, công tác kiểm soát và xử lý những cây xanh bọng gốc, mục rễ, sâu bệnh được cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường ở nhiều địa điểm trọng yếu. Cụ thể, vào sáng ngày 8-11, cây cổ thụ có mã số 120 (tọa lạc ngay trước Văn phòng đại diện Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN – 42 Phạm Ngọc Thạch, quận 1) đã được khoảng 10 công nhân của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM tích cực bứng gốc. Ông Dũng, một trong số những người thực hiện công tác này cho biết, cây cổ thụ này nhìn dáng vẻ bên ngoài thì vẫn còn xanh tốt, nhưng lại có dấu hiệu thối rễ nên phải bứng bỏ. Cùng thời điểm này, đồng nghiệp của ông Dũng là ông Tài cùng các nhân viên khác đang khẩn trương cưa từng đoạn ngọn cây sao (có đường kính khoảng 50cm, cao khoảng 30m) ngay trước chung cư 42 Trần Cao Vân, thuộc vòng xoay Hồ Con Rùa. Ông Tài cho biết, cây sao này bị bọng gốc nên cần được giải quyết nhanh chóng. Bên cạnh đó, cây xanh bị sâu bệnh, mục gốc, bọng gốc ở một vài tuyến đường khác cũng đang được lực lượng chức năng cắt tỉa hoặc xử lý nhằm đảm bảo an toàn cho công trình, nhà dân và người dân khi lưu thông. Do đó, từ tháng 10 đến nay tình trạng cây xanh ngã đổ không còn tiếp diễn.
5.500 cây cổ thụ sẽ được kiểm tra thường xuyên
Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, công tác xử lý cành cây khô, sâu mục, tỉa cành cây xanh được thực hiện thường xuyên, đặc biệt trước và trong mùa mưa bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cây xanh gây ra. Cho đến nay, lực lượng chức năng đã bứng bỏ được 360 cây xanh già cỗi và sâu bệnh, cải tạo và thay thế 200 cây tạp và 290 cây bị ảnh hưởng do thi công hoặc bị xâm hại. Bên cạnh việc xử lý những cây xanh có dấu hiệu sâu bệnh, sam thân, bọng gốc, cây nghiêng ngả, già cỗi, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xin ý kiến lãnh đạo thành phố về việc hạ thấp chiều cao đối với cây có cành giòn, rễ mọc ngang, dễ bật gốc như sao dầu, phượng vỹ, sọ khỉ, lim xẹt…
Được biết, 5.500 cây cổ thụ trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục được kiểm tra thường xuyên, nhằm xử lý kịp thời những cây có sự cố hoặc có nguy cơ. Đồng thời, Sở GTVT phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ thành lập bản đồ phân vùng gió, lốc xoáy, mô phỏng đánh giá khả năng chịu sức gió của cây xanh trong những địa bàn có nguy cơ nhằm đưa ra những phương án xử lý phù hợp và kịp thời.
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Bình luận (0)