Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Tự tạo cơ hội: Sống khỏe nhờ dừa xiêm xanh trái vụ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhờ trái vụ với cây dừa ở miền Nam, vườn dừa xiêm xanh khoảng 100 cây của gia đình ông Võ Văn Dung ở tỉnh Bình Định mấy năm qua luôn bán được giá cao, cho thu nhập ổn định.
Ông Võ Văn Dung (52 tuổi, ở thôn Vạn Hội 1, xã Ân Tín, H.Hoài Ân, Bình Định) kể: Trước năm 1993, gia đình ông mưu sinh bằng cách trồng đủ loại cây, từ lúa đến các cây trái ngắn ngày như nhãn, mãng cầu xiêm…
Ông Dung có thu nhập ổn định nhờ cây dừa xiêm xanh trái vụ /// Ảnh: Tâm Ngọc
Ông Dung có thu nhập ổn định nhờ cây dừa xiêm xanh trái vụ – Ảnh: Tâm Ngọc

Thế nhưng, đời sống kinh tế gia đình vẫn không thay đổi, túng thiếu quanh năm. Nghĩ phải làm điều gì đó khác mới mong đổi đời, ông mạnh dạn chặt bỏ hết những cây không cho hiệu quả cao để trồng dừa xiêm xanh. Đây là loại cây tốn ít công chăm sóc nhưng lại cho giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Việc ông quyết liệt trồng dừa xiêm xanh với quy mô lớn tại thời điểm lúc đó quả là “liều” trong mắt nhiều người dân địa phương.
Theo ông Dung, quyết định này rất đúng đắn bởi ông nhận thấy nhu cầu uống nước dừa giải khát của người dân rất lớn. Ông tự tin khẳng định: “Chỉ cần uống qua nước dừa ở vườn tui một lần, chắc chắn họ sẽ trở lại nhiều lần để tìm mua”. Hơn nữa, loại trái này không khắt khe trong bảo quản, cũng không cần phun thuốc trừ sâu bệnh nhiều và trực tiếp như các loại cây trái khác. “Nhớ lại cảnh hồi xưa ngồi canh mấy cây nhãn đang cho trái mà thấy cực. Dừa thì khỏe, muốn ăn phải trèo hái, mà phải chờ dừa đúng độ chứ không lẽ đi bẻ trộm trái dừa non ăn, nên đỡ công canh dữ lắm!”, ông Dung nói thêm. Vậy là từ năm 1993 đến nay, những cây dừa xiêm xanh trong vườn hơn 3.500 m2 đã nuôi sống gia đình ông, giúp ông cho hai con ăn học đàng hoàng.
Dừa xiêm xanh là giống dừa cho trái uống nước, năng suất cao, ổn định. Loại dừa này có nguồn gốc từ miền Nam, nhưng khi đem về vùng đất Hoài Ân thì cho chất lượng nước ngọt hơn, ngon hơn. Ông Dung chia sẻ muốn dừa cho trái đều thì cần nhất là đầu tư tốt. “Đầu tư tốt có nghĩa là từ khâu bón phân, chăm sóc, phòng trừ dịch hại đều phải được chuẩn bị chu đáo. Trước khi trồng, việc đào hố đúng chuẩn 60 x 60 x 60 cm là việc làm đầu tiên. Mỗi gốc dừa cách nhau 6 m. Sau khi đào hố thì bỏ phân chuồng, ka li, lân ủ khoảng 20 ngày đến 1 tháng rồi mới bỏ cây dừa con xuống”, ông Dung mách nhỏ.
Hằng năm, mỗi cây dừa của ông Dung cho thu hoạch từ 20 – 25 buồng (mỗi buồng khoảng 15 – 25 trái). Với 100 gốc trong đó có 40 gốc dừa cho trái thường xuyên, gia đình ông Dung có thu nhập ổn định mỗi năm gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, để khai thác tối đa lợi ích từ việc trồng dừa, ông còn trồng xen dưới gốc dừa các loại cây ưa rợp bóng như dâu da, chanh, cỏ sả, ngò tàu, rau má…
Ông Dung cho biết, thuận lợi lớn nhất mà người trồng dừa ở Bình Định có được chính là trái vụ so với cây dừa ở miền Nam, bởi thời tiết khác biệt giữa 2 vùng miền. Mùa thu hoạch chính của dừa Bình Định là từ tháng 11 đến tháng 4 hằng năm, cho thu hoạch khoảng 3/4 sản lượng trong năm với giá bán cao (10.000 – 12.000 đồng/trái). Thời điểm này cây dừa ở miền Nam không phải là mùa thu hoạch chính vì là mùa khô. Sự đảo ngược này giúp gia đình ông Dung thường xuyên trong tình trạng khan hàng, đầu nậu tới tận nhà thu mua chứ không phải vất vả lo khâu tiêu thụ. Thêm vào đó, cây dừa xiêm xanh phù hợp với đất sỏi hoặc đất pha cát, đây là loại đất ở vùng trung du Hoài Ân.
Với những người trồng dừa như gia đình ông Dung, nguyện vọng lớn nhất không phải là đầu ra như các sản phẩm nông nghiệp khác mà là mong các nhà khoa học nghiên cứu thêm nhiều loại phân bón hợp lý, các loại thuốc đặc trị cho cây dừa. Bởi lẽ, trồng dừa dễ mà khó do tình hình dịch bệnh trên cây này đang có xu hướng ngày càng phức tạp. Nhiều loại sâu bệnh như đuông, bọ cánh cứng, bệnh thối noãn… vẫn không thôi ám ảnh và thách thức nông dân trồng dừa.
Ông Dung cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng dừa với những ai quan tâm qua số điện thoại: 0972052206.

Tâm Ngọc (TNO)

 

Bình luận (0)