Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khám ba lô học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Bá đi đón cháu học lớp 5 trường tiểu học X. – ngôi trường đạt danh hiệu chuẩn quốc

gia. Trống tan trường đã qua 20 phút, hầu hết học sinh đã về nhà, nhưng sao chưa thấy Hải – cháu ông? Một lúc sau, ông mới thấy Hải đi lại chỗ ông đợi đón, mắt đỏ hoe, có một cô giáo đi bên cạnh. Ông thấy cô giáo đang nói điều gì với Hải.

Khi đến chỗ ông đón đợi, Hải mếu máo nói: “Ông ơi! Cháu không lấy sách ở thư viện, nhưng cô giáo cứ đòi khám ba lô của cháu!”. Lúc bấy giờ cô giáo mới biết người đàn ông trước mặt là ông của học sinh mình. Tuy nhiên, cô giáo cũng không hề chào hỏi ông Bá, mà gặng hỏi Hải: “Em lấy sách của thư viện phải không? Mấy bạn kia (cô giáo chỉ tay về phía xa, có mấy học sinh đang chơi ở trước cửa thư viện trường) báo với cô, là em lấy sách của thư viện cho vào ba lô!”. Hải nhìn ông như cầu cứu và nói với cô giáo: “Thưa cô! Em không lấy sách của thư viện. Em nói thật đấy ạ!”. “Nếu vậy thì em phải cho cô khám ba lô!”, cô giáo yêu cầu.

Trước cử chỉ căng thẳng của cô giáo và những lời hỏi đáp giữa hai cô trò, ông Bá vẫn chưa hề nói câu nào và tỏ thái độ gì. Nhiều học sinh thấy lạ, kéo đến xem. Đến lúc này, ông mới hỏi Hải: “Cháu có lấy sách của thư viện không?”. “Cháu không lấy ông ơi!”, Hải nói như khẳng định.

Bất chấp ông Bá đứng đó, cô giáo liền túm lấy ba lô của Hải, nói như ra lệnh: “Để cô khám ba lô khắc rõ!”. Hải ghì chặt cái ba lô.

Biết rõ tính nết cháu mình, ông Bá điềm tĩnh nói với cô giáo: “Tôi là ông ngoại của cháu. Nếu cô vẫn cứ muốn khám ba lô, thì cháu cứ để cho cô khám”. Ngay lập tức, cô giáo như giật lấy chiếc ba lô. Chắc cô nghĩ rằng: Phải làm cho rõ trắng đen mới được! Cô giáo nhanh tay mở ba lô, đặt sách giáo khoa và vở viết của Hải xuống sân trường, để lục tìm cuốn sách của thư viện. Nhưng, tìm mãi, vạch cả các ngăn túi ba lô, cũng không thấy quyển sách nào của thư viện cả! Bấy giờ, cô giáo mới tỏ ra lúng túng. Không nói không rằng, cô quay lưng định bỏ đi. Đến lúc này, ông Bá mới đề nghị cô ở lại. Ông nói: “Tôi rất tin cháu tôi, nên mới để cô khám ba lô của cháu theo yêu cầu của cô. Bây giờ cô đã thấy sự đổ oan của mấy cháu học sinh cho cháu tôi. Đó là điều rất đáng buồn. Song chính cô đã mắc sai phạm: Cô đã cố tình khám ba lô sách của một học sinh khi không chứng kiến sự việc và chưa có chứng cớ cụ thể. Cô vừa sai về hành vi, vừa sai về phương pháp giáo dục”. Thấy cô giáo vẫn im lặng một cách… khó hiểu, ông Bá nói tiếp: “Tôi là giảng viên Trường ĐH Sư phạm, đã trực tiếp dạy cô Y. là hiệu trưởng trường cô dạy. Nếu tôi nói chuyện này với cô hiệu trưởng, thì cô nghĩ sao?”. Cô giáo có vẻ bất ngờ. Nhưng rồi cô bỏ đi rất nhanh!

Ông Bá đưa cháu về nhà. Là một nhà sư phạm lâu năm, lòng ông nặng trĩu nỗi buồn. Không chỉ vì mấy đứa trẻ còn nhỏ mà đã biết nói điêu, đổ vấy cho bạn, mà cái chính là cung cách hành xử của một cô giáo ở ngôi trường đạt chuẩn quốc gia.

Đào Ngọc Đệ
(Giảng viên chính Trường ĐH Hải Phòng)

Bình luận (0)