Mặc dù học sinh tiểu học được các thầy cô hướng dẫn đọc, tìm hiểu nghĩa từ, sử dụng từ, cách đặt câu… qua rất nhiều tiết học trên lớp ngay từ lớp 1. Thế nhưng, thời gian gần đây, giáo viên tiểu học hết sức đau đầu khi ngôn ngữ nói đời thường đến từ ngữ dùng trên mạng xã hội và cả từ ngữ, câu xuất hiện trên những game show truyền hình đã được các em sử dụng khi phát biểu và đưa cả vào vở khi làm bài môn Luyện từ và câu hay môn Tập làm văn.
Các câu như “Bạn ấy thật là phi diệu (vi diệu) vì luôn làm đúng các bài toán cô cho”, “Cô Tấm hồn nhiên như cô tiên mãi lo gội đầu để Cám lấy hết cá”, “Bà dì ghẻ ác như con tê giác”, “Dân chơi sợ gì mưa rơi, Hải dầm mưa về nhà nên bị bệnh”, “Ngày nghỉ, mẹ em lướt quép suốt cả ngày”, “Cây bút này giá 20k”… ngày càng xuất hiện nhiều ở học sinh tiểu học trong giờ học trên lớp. Điều đó cho thấy, các em đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tiếng Việt được sử dụng trong đời thường hiện nay. Các em nghe các từ ngữ này từ lời nói của những người thân trong gia đình, của các cuộc giao tiếp ngoài xã hội, của các câu nói của diễn viên trong phim… Ở lứa tuổi còn nhỏ, vốn hiểu biết về tiếng Việt chưa sâu, các em sẽ nghĩ rằng những từ ngữ mà mình thường nghe ấy là những từ ngữ hay, đúng vì người lớn thường dùng.
Giáo viên đã phải hết sức nhọc công phân tích, sửa chữa cách dùng tiếng Việt biến dạng như thế cho học sinh. Thế nhưng, điều đó không dễ dàng bởi vì thường xuyên nghe các em sẽ ghi nhớ và khi sử dụng trong giao tiếp hàng ngày hay trong bài làm ở lớp các em lại sử dụng như một thói quen. Thật là tai hại!
Để tiếng Việt không biến dạng ngay từ bậc tiểu học, người lớn cần phải nói đúng tiếng Việt để làm gương cho các em. Xin đừng để các em sử dụng tiếng Việt “méo mó” ấy mà nghĩ rằng các em đã sử dụng thành thạo tiếng Việt như người lớn.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)