Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP sẽ gỡ mọi vướng mắc cản trở để hợp tác phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 13-11, trong khuôn khổ Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đã tiếp tục diễn ra 2 chuyên đề “Kiều bào với phát triển khoa học- công nghệ, kinh tế tri thức của TP.HCM” và “Kiều bào tham gia đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ của TP.HCM”. Trưa cùng ngày, hội nghị đã bế mạc.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong gặp gỡ kiều bào (thứ hai từ trái qua)
Nên đi từng bước vững chắc trong tự tin 
Đề cập đến kinh tế tri thức, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết TP.HCM xác định phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức; ưu tiên đầu tư cho khoa học công nghệ so với các lĩnh vực khác; gắn nghiên cứu, đào tạo với sản xuất – kinh doanh. Để thực hiện mục tiêu này, kế hoạch hành động về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của TP sẽ tập trung vào các nội dung chủ yếu như: Hoạt động nghiên cứu phát triển gắn với định hướng phát triển kinh tế – xã hội; thúc đẩy hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phát triển tiềm lực khoa học công nghệ và phát triển thị trường công nghệ…
Góp ý cho định hướng phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế tri thức của TP.HCM, TS. Nguyễn Đăng Bằng (kiều bào tại Anh) cho rằng, để xây dựng kinh tế tri thức ở TP cần phải xây dựng một trường ĐH nghiên cứu mới hoàn toàn, quy chế hoạt động cũng như quản trị dựa trên tập quán tốt nhất thế giới hiện nay. Trường này quy mô không cần lớn nhưng sẽ là trung tâm nghiên cứu và là hạt nhân công nghệ, trong đó xây dựng một số lĩnh vực mũi nhọn nghiên cứu như công nghệ sinh học, phần mềm và trí tuệ nhân tạo… Đặc biệt trường này ưu tiên thu hút nghiên cứu sinh sau tiến sĩ là người Việt từ nước ngoài về, hoặc người nước ngoài. Còn việc thu hút kinh tế tri thức, không thể dùng ngân sách nhà nước mà cần thay đổi cơ chế để thu hút nhà đầu tư.
GS. Đặng Lương Mô

Còn theo GS. Đặng Lương Mô (kiều bào Nhật), với hành trang còn khá hạn hẹp về nhiều mặt, khoa học kỹ thuật còn lạc hậu, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa nhiều, kinh tế chưa phát triển tới mức trung cao, nền công nghiệp phụ trợ còn sơ khai… “Việt Nam chỉ nên đi từng bước vững chắc trong nghiên cứu nắm bắt công nghệ mới và phát triển công nghệ nội sinh, nắm vững nhu cầu thiết thực, nhất là nhu cầu bảo mật, bảo đảm an ninh quốc phòng, đáp ứng nhu cầu đa dạng với số lượng nhỏ và vừa phải chứ không nên vội vã mạo hiểm dấn bước vào môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt của nền công nghiệp đang bước vào giai đoạn bão hòa, cơ hội không còn nhiều”, GS. Đặng Lương Mô chia sẻ. 

GS. Hồ Tú Bảo

Còn theo GS. Hồ Tú Bảo (kiều bào Nhật), muốn TP.HCM phát triển kinh tế tri thức là phải xây dựng tốt hơn các nguồn dữ liệu cần thiết của TP để phục vụ nền kinh tế tri thức. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia kiều bào có thể tham gia giải quyết các vấn đề của TP. Đào tạo ra những người làm công tác phân tích dữ liệu để giúp TP ra các quyết định tốt hơn dựa trên dữ liệu được phân tích. 

Xử lý, công khai các hành vi nhũng nhiễu
Đóng góp ý kiến cho việc “Kiều bào tham gia đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ của TP HCM”, TS. Đinh Thanh Hương (kiều bào Pháp), bắt đầu bằng một câu chuyện về một tỉ phú gốc Việt hiện sống tại Pháp. Là một trong những người giàu nhất tại Pháp, có rất nhiều mối quan hệ với những tập đoàn lớn, các quỹ đầu tư và các cá nhân thành đạt; là người đầu tư tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ và rất mong muốn đầu tư ở Việt Nam, đặc biệt tại một nơi cởi mở như TP.HCM. Tuy nhiên, dù về TP thường xuyên, vẫn loay hoay với rất nhiều câu hỏi về sự không minh bạch thông tin theo chuẩn quốc tế, những thông lệ “khác biệt”, rào cản vô hình đến hữu hình. Vì thế, dù thành công ở nước ngoài, vẫn không thể đưa ra một quyết định đầu tư tại Việt Nam nói chung hay TP.HCM nói riêng.
“TP.HCM nên tạo lòng tin cho nhà đầu tư, trên cơ sở chuẩn hóa quá trình chọn lọc đầu tư, cấp giấy phép, hỗ trợ phát triển thị trường. Kiên quyết xử lý và công khai các hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng của những người tham gia quyết định. Lập một website riêng, công bố các ưu tiên về thu hút đầu tư, ví dụ cho công nghệ sạch phát triển sản xuất thực phẩm, với các khu vực đang muốn thu hút đầu tư và các dự án cần huy động vốn”, TS. Hương nói. 
TS. Nguyễn Trí Hiếu 

Sự đóng góp của kiều bào vào nền kinh tế TP.HCM là rất đáng kể. Nhưng thực sự, cho đến hiện nay chúng ta chưa kêu gọi được nhiều chuyên gia, nhà đầu tư về TP. “Số doanh nghiệp nước ngoài, chuyên gia đầu tư về Việt Nam còn ít. Tôi là một trong vài người dám về đầu tư ở Việt Nam. Tôi cũng được biết rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài về Việt Nam sau đó không trở lại. Tại sao có hiện tượng này? Hình như chúng ta chưa có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với nhà đầu tư, chuyên gia?”, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: Vấn đề đối với kiều bào khi về Việt Nam đầu tư là nghiên cứu thị trường thông qua các công ty tư vấn về pháp luật, đầu tư. Do đó, TP cần nỗ lực nhiều hơn nữa, những tuyên truyền mang tính khẩu hiệu không có tác dụng gì cả. Chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài về Việt Nam đầu tư cần nhìn vấn đề thực chất nên TP cần có thông tin thực chất về đầu tư nước ngoài chẳng hạn như nhận bao nhiêu kiều hối, đầu tư vào những lĩnh vực gì…

TS. Phạm Đỗ Chí (kiều bào Mỹ) cho rằng bức tranh kinh tế trong giai đoạn tới sẽ rất xấu về vĩ mô chẳng hạn như khó khăn về tài chính, ngân sách do nợ xấu ngân hàng, nợ công… “Chính phủ và TP phải thay đổi một số cách làm để thay đổi môi trường đầu tư cho từng dự án đơn lẻ nếu không sẽ không thành công”. Ông Chí dẫn lại câu chuyện trước thời kỳ đổi mới, Việt Nam thiếu ăn và đang trong giai đoạn khó khăn. Trong tình huống bức bách đó, Chính phủ đã áp dụng biện pháp là cấp thời đổi mới bằng “ngòi bút” bỏ cơ chế kiểm soát giá gạo. Và đất nước trở thành một nước xuất khẩu gạo tốp 3 thế giới. Nhưng ngòi bút cởi trói cho sản xuất gạo là biện pháp đột phá của giai đoạn đổi mới.
“Vậy chúng ta thêm biện pháp đột phá về “ngòi bút” nữa thôi là cải cách thể chế. Hiện nay doanh nghiệp tư nhân đang bị o ép bởi doanh nghiệp nhà nước. Bây giờ dùng ngoài bút để cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân, hoàn chỉnh hệ thống pháp lý, đầu tư công bằng. Chúng ta không cần mấy trăm tỷ USD mà kinh tế tư nhân sẽ là đột phá 5 năm tới”, TS. Phạm Đỗ Chí góp ý. 
Việt Nam đoàn kết xây dựng mái nhà chung
GS. Nguyễn Trí Dũng 

Đại diện bà con kiều bào về tham dự hội nghị, GS. Nguyễn Trí Dũng khẳng định, Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) toàn thế giới lần thứ 3 là một bước ngoặc trong sinh hoạt của cộng đồng NVNONN, để xây dựng phát triển đất nước, trong thời đại nhiều biến đổi thử thách ngày nay. Trong chiến tranh cũng như hòa bình, xây dựng phát triển đất nước, đông đảo kiều bào ta luôn hướng về quê hương đất nước, tự nguyện đóng góp phần mình để thực hiện những tình cảm ruột thịt thiêng liêng không gì ngăn cản được. Đối với chúng tôi đây là một mái nhà tinh thần chung quý giá trên quê hương Tổ quốc của mình. GS. Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh: Hội nghị trong năm 2016, đánh dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng khi chúng ta đang bắt đầu năm thứ 41 sau hòa bình thống nhất đất nước! Chúng ta đã trải qua một giai đoạn khá dài với quá nhiều thử thách, tuy có nhiều thành tựu to lớn, nhưng vẫn còn nhiều việc bất cập ở diện rộng. Mỗi chúng ta, trong cũng như ngoài nước, tuy không nói ra nhưng đều có những ước mơ về Đất Việt linh thiêng này. Nhiều thế hệ, nhiều người Việt đã làm những việc tưởng như không thể làm được để có nước Việt như ngày nay. Giấc mơ Việt Nam là tư duy phát triển Việt, là sự liên kết góp sức để biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới. “Chúng tôi tự hứa “Vì Việt Nam đoàn kết lại” bắt tay nhau thật chặt vượt qua những tình riêng quyết tâm xây dựng Mái Nhà Chung “Đất lành chim đậu” ngày càng tốt đẹp, để quy tụ được nhiều hơn những người bạn mới cùng chia sẻ hoài bão này”, GS. Dũng xúc động.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng kết luận hội nghị

Kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khẳng định: TP đánh giá rất cao và trân trọng sự hiện diện của quý vị tại Hội nghị này, đây là cơ hội to lớn để chúng ta cùng nhau bàn bạc, hiến kế, đưa ra các sáng kiến, nhằm tận dụng tối đa hiệu quả mọi nguồn lực, khơi dậy những tiềm năng đáp ứng cho sự phát triển và hiện đại hóa TP. Chúng ta cùng có nghĩa vụ biến các mục tiêu kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường sống, như mong ước của hơn mười triệu người dân TP.HCM, kỳ vọng của khu vực phía Nam cũng như của cả nước và bạn bè quốc tế trở thành hiện thực. “Hôm nay tôi có thể nói một cách vui mừng rằng, những gì chúng tôi trông đợi từ Hội nghị đã được đáp ứng hơn cả mong muốn. Cảm ơn thịnh tình của toàn thể quý vị dành cho TP mang tên Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Lãnh đạo TP vô cùng trân trọng và xin ghi nhận tất cả các ý kiến, đề xuất tâm huyết của đại biểu kiều bào đóng góp cho Hội nghị. Như một sự gặp gỡ thú vị và kỳ diệu, phần lớn các tham luận, ý tưởng, mong muốn của kiều bào tại Hội nghị, cũng là những vấn đề mà chúng tôi đang trăn trở tìm hướng giải quyết. Nhiều tham luận đã chia sẻ sự đồng thuận và giúp chúng tôi củng cố niềm tin khi tiếp tục bám sát các mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài theo 7 chương trình đột phá của TP”. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng khẳng định: “Để có được những ý kiến quý báu đó là cả một nỗ lực to lớn và tấm lòng rộng mở, sự ưu tư đầy trách nhiệm của mỗi đại biểu. Tôi rất xúc động khi được biết có rất nhiều đại biểu kiều bào là các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia hàng đầu đang làm việc ở nước ngoài và vô cùng bận rộn với công việc, nhưng vì trách nhiệm với đất nước và tình yêu với TP, đã khắc phục nhiều trở ngại về tham dự hội nghị. Mang theo những tình cảm nồng ấm, những ý tưởng tâm huyết nhất đến Hội nghị. Điều đó khẳng định, dù phải sống trong những hoàn cảnh khác biệt ra sao về địa lý, xã hội, thể chế chính trị… chúng ta mãi mãi là con một nhà, là đồng bào ruột thịt của nhau, có chung một người mẹ lớn là tổ quốc Việt Nam yêu quý”. 

Sau Hội nghị này, lãnh đạo TP sẽ cùng các sở, ngành chức năng của TP tiếp tục hợp tác, hình thành cơ chế tương tác, trao đổi thường xuyên, giữ mối quan hệ chặt chẽ với đại biểu kiều bào để triển khai các đề xuất cụ thể đó, nhất là các vấn đề gắn trực tiếp đến cải thiện chất lượng sống của người dân. “Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của ông Dương Nguyên Vũ đại diện cho 500 kiều bào đã nói là chúng ta phải bắt tay hành động ngay. Chúng tôi sẽ tích cực, cùng các đại biểu tháo gỡ bất kỳ vướng mắc nào gây cản trở cho quá trình hợp tác. Tôi đề nghị mỗi cán bộ, mỗi cơ quan chức năng phục vụ dân phải coi kết quả của Hội nghị, coi những sáng kiến, ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu là nguồn lực quan trọng, là “ngân hàng ý tưởng” quý giá mà TP phố luôn cần đến cho sự phát triển của mình”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh. 
Lê Quang Huy
 

Bình luận (0)