Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đồng Nai và Tp.HCM cùng truy nguồn gốc thịt heo bằng mã vạch

Tạp Chí Giáo Dục

Đã bắt đầu triển khai phổ biến cho nông dân, hộ kinh doanh việc truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng mã vạch. Người mua tải phần mềm có thể biết thịt heo mình mua được ai bán, nuôi và giết mổ ở đâu…
Đồng Nai và Tp.HCM cùng truy nguồn gốc thịt heo bằng mã vạch
Ông Nguyễn Ngọc Hòa tại buổi hướng dẫncho nông dân, hộ kinh doanh Đồng Nai triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng mã vạch. Ảnh A. Lộc

Sở NN&PTNT Đồng Nai cùng Sở Công thương TP.HCM, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai ngày 15-11 đã tổ chức hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo (Te-food) cho người chăn nuôi và các lò mổ trên địa bàn Đồng Nai.

Theo giới thiệu của phần mềm này, người tiêu dùng chỉ cần cài đặt phần mềm Te-food trong hệ thống AppStore hoặc Google store vào điện thoại, chiếu vào mã vạch trên thịt heo để truy xuất từ tên quầy bán lẻ đến nơi giết mổ, 
trang trại chăn nuôi…

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết hiện Đồng Nai cung cấp khoảng 50-60% lượng thịt heo cho TP.HCM. Việc một số cơ sở làm ăn không trung thực khiến vàng thau lẫn lộn, dân mất niềm tin.

Phần mềm truy xuất nguồn gốc sẽ giúp kết nối người bán và người mua, công bố các cơ sở kinh doanh tin cậy cũng như các cơ sở vi phạm để người tiêu dùng nắm bắt, giám sát.

Theo ông Hòa, hiện người Việt vẫn giữ tập quán sử dụng thịt heo “nóng”, đó là thuận lợi của ngành chăn nuôi trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại với nhiều nước trên thế giới, nếu niềm tin người dân tiếp tục suy giảm, nguồn thịt ngoại với lợi thế giá rẻ, đảm bảo chất lượng có thể khiến người tiêu dùng trong nước bỏ tập quán dùng thịt “nóng” mà chọn thịt ngoại. 

Ông Phan Minh Báu, phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, nêu hiện có khoảng 400 trang trại tại Đồng Nai được chứng nhận an toàn, 40 trang trại có chứng nhận VietGAP trong tổng số khoảng 1.700 trang trại. Con số này vẫn còn quá ít.

Chia sẻ với những nông dân, hộ kinh doanh thịt heo tại buổi hướng dẫn,  ông Báu nêu truy xuất nguồn gốc là vấn đề không mới, nhưng thực hiện đầy đủ, hoàn chỉnh lại là câu chuyện mới. Trong đó, “tâm lý là chăn nuôi xưa giờ khó nhất là ghi chép, ghi chép từ lúc nhập heo rồi đến lúc xuất chuồng, tiêm phòng… Bên cạnh đó, khi truy xuất nguồn gốc, chỉ cần một nơi không làm chuẩn thì sẽ làm mất niềm tin với người tiêu dùng và rất khó lấy lại uy tín"- ông Báu nói.

 

A LỘC (TTO)

Bình luận (0)