Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tiết học bằng câu chuyện truyền hình

Tạp Chí Giáo Dục

Tưởng như xa lạ và không có gì gắn bó với nhau nhưng qua tiết học liên môn tích hợp, môn địa lý và GDCD đã có tiếng nói chung trong một phương pháp giảng dạy. Đó là tiết học “Sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên – Luật Bảo vệ môi trường” do Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) tổ chức.

Các em học sinh tham gia tiểu phẩm Tia sáng

“Bản tin thời sự” chua xót

Cô Nguyễn Thị Túy Thơ (giáo viên môn địa lý) cho biết: “Trong chương trình địa lý và GDCD của lớp 12 có một số nội dung liên quan đến vấn đề tài nguyên thiên nhiên. Tuy dạy cùng chủ đề nhưng mỗi môn học lại đề cập đến những khía cạnh khác nhau và có thể bổ sung cho nhau. Bên cạnh đó tiết học còn giúp học sinh hiểu rõ cách sử dụng, biện pháp bảo vệ, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững”.

Để chuyển tải nội dung bài học, các học sinh lớp 12AD2 đã xây dựng một tiểu phẩm mang tên Tia sáng có nội dung cảnh báo về tình hình ô nhiễm môi trường nước. Cũng vì nước bị ô nhiễm mà 4 đứa con vô tội của một người mẹ đành phải từ giã cõi đời trong nỗi đớn đau và uất hận. Câu chuyện được sân khấu hóa không chỉ là tiếng kêu cứu khẩn thiết mà còn là lời cảnh báo về tình trạng ô nhiễm nguồn nước đáng báo động ở khắp 3 miền nước ta. Tiểu phẩm trên cũng là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt tiết học mang hình thức của một câu chuyện thời sự nóng bỏng của chương trình truyền hình thực tế tại một số địa phương trên cả nước. Theo đó, bốn nhóm học sinh được chia làm 4 khu vực đại diện cho các địa phương vừa đi qua thảm cảnh tàn khốc do ô nhiễm nguồn nước gây ra. Vào vai phóng viên báo hình, các em đã mổ xẻ từng nguyên nhân căn cơ nhất gây ra tình trạng chặt phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi và ô nhiễm nước. Đặc biệt, thông qua từng thước phim tài liệu, các em đã cho mọi người thấy rõ hơn thực trạng suy giảm tài nguyên rừng và các loài sinh vật cùng với suy thoái tài nguyên đất, sự xuống cấp hoặc cạn kiệt các tài nguyên khác. Cùng với diện tích rừng bị thu hẹp là chất lượng rừng bị suy giảm… Có thể nói không có con đường nào đi vào trí nhớ người học bằng cách mô phỏng hóa hình thức phỏng vấn, và câu trả lời được đưa ra về nguyên nhân gây ra hậu họa đó là do khai thác rừng thiếu hợp lý, thiên tai địch họa, sức ép dân số. Đó cũng là cách giải thích khi chỉ ra nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước bởi biến đổi khí hậu và các chất thải công nghiệp.

Bài học đi từ cuộc sống

Cô Nguyễn Thị Hồng Châu (giáo viên môn GDCD) khẳng định: “Thông qua những kiến thức về tình hình ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, mục đích của bài học giúp các em biết được những biện pháp của Nhà nước nhằm bảo vệ tài nguyên. Từ đó giúp các em tìm hiểu về Luật Bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên trong kinh doanh, bảo đảm cam kết xử lý một số chất thải công nghiệp. Là người trong cuộc hơn ai hết các em sẽ thấm nhuần hơn bài học mà mình tự nêu và giải quyết vấn đề tròn trịa nhất”.

Em Mẫn Tiệp – trong vai người dẫn chương trình – cho biết nhờ tiết học mà các em còn biết phân tích được bảng số liệu thống kê, trình bày được một báo cáo về môi trường. Còn các em Thanh Thúy, Tiến Hùng, Hoàng Lâm, Đức Quang, Ngọc Huyền – những phóng viên thời sự – chững chạc hơn trong cách trình bày, nói chuyện trước đám đông. Trong khi đó, một số em tham gia tiểu phẩm được sân khấu hóa có thêm kỹ năng diễn xuất, thấu cảm được nỗi đau dù ngoài đời chưa trải qua. Không chỉ đọng lại trong trí nhớ bằng chữ nghĩa, lý thuyết bài học đã được phối hợp rất sinh động qua sự tham gia tích cực của người học dưới sự hướng dẫn bên trong hậu trường của người dạy. Đó là bài học về ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đất nước, lời kêu cứu và lên án những hành động sai trái làm ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí mà các em chính là chủ nhân tương lai đất nước nên càng phải có trọng trách lớn hơn.

Nguyễn Hoàng Anh

Bình luận (0)