Ở môn tiếng Anh, các em học sinh cần có phản xạ nhanh với các câu hỏi (ảnh minh họa). Ảnh: A.Khôi |
Dù không còn xa lạ với hình thức thi trắc nghiệm nhưng với thời gian và cấu trúc đề thi minh họa môn tiếng Anh mà Bộ GD-ĐT đã công bố, để đạt được kết quả tốt, học sinh không thể lơ là trong việc học, lại càng không nên chủ quan.
Theo cô Mai Thị Phương Thảo (giáo viên bộ môn tiếng Anh Trường THPT Phạm Phú Thứ, Đà Nẵng), với thời gian chỉ gói gọn trong 60 phút nhưng có đến 50 câu hỏi, đòi hỏi học sinh không chỉ làm đúng mà còn phải giải bài nhanh. Như vậy trong quá trình học, các em phải nắm vững kiến thức cơ bản ngữ pháp, cấu trúc câu, trau dồi kiến thức về từ mới, cụm từ, đặc biệt là kỹ năng đọc hiểu… Học từ và cụm từ theo từng nhóm để tích lũy nhiều từ mới. Từ đó mới giúp các em dễ dàng trong việc đọc, dịch và hiểu.
Đơn cử như cấu trúc đề thi minh họa, có đến 20/50 câu liên quan đến phần đọc hiểu. Nếu không có kỹ năng thì rất khó để hoàn thành. Ví dụ ở câu số 11: Jonh wanted to know… in my family? Đây là câu khẳng định mục đích hỏi, học sinh phải chú ý xác định được chủ ngữ đứng trước to be/trợ động từ. Cần hiểu theo nghĩa gốc là “How many people were there…” để khi đảo lại là “How many people there were”, nếu không xác định rõ điều này sẽ dễ nhầm là were there (đáp án B). Như vậy đáp án đúng ở đây phải là D (… there were). Cô Phương Thảo cũng cho biết thêm, học sinh cần có thêm các kỹ năng suy luận, trong trường hợp gặp câu hỏi khó, cần phải suy luận, xác định loại từ để loại trừ đi các phương án sai nhất.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Cẩm Tiên (giáo viên bộ môn tiếng Anh Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng) cho rằng, để làm bài thi trắc nghiệm tốt, học sinh phải nắm vững ngữ pháp, thông thạo các bài tập tự luận, trên cơ sở đó mới có thể làm nhanh các bài trắc nghiệm; đồng thời phải có một vốn từ vựng nhất định. Bên cạnh đó, đề thi luôn có phần bài tập vận dụng cao, vì vậy yêu cầu học sinh phải có tư duy tổng hợp.
Cô Cẩm Tiên cho hay, thông thường phần đọc hiểu chiếm khá nhiều trong đề thi. Muốn làm được dạng bài này, trước tiên phải đọc hết, nắm nội dung qua những từ có thể biết được, dịch được. Sau đó đọc từng câu hỏi và quay ngược lên đoạn văn đã đọc trước đó để tìm ra đáp án. Khi tìm được nên tô luôn vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Với dạng bài tập điền khuyết thì đọc nhanh, chú ý vào từ phía trước và phía sau chỗ trống, hiểu nghĩa của nó để tìm đáp án cho chỗ trống.
Trong đề thi cũng có 2-3 câu rơi vào phần dấu nhấn (trọng âm). Nắm kỹ các quy luật của dấu nhấn để làm bài. Ví dụ, với danh từ và tính từ 2 vần thì dấu nhấn rơi vào âm thứ nhất. Động từ 2 vần, 2 âm tiết thì thông thường dấu nhấn rơi vào âm thứ 2… Bên cạnh phương pháp loại suy từ phương án sai nhất, để giải được nhanh kết quả, học sinh cần chú ý đến thông tin ở các từ trước và sau của giới từ để tìm đáp án chính xác. Ví dụ như câu số 14 đề minh họa, sau giới từ (on) thì ta dùng danh từ biology (môn sinh học). Đối với các thì trong tiếng Anh, thì nhìn vào mốc thời gian để xác định tính từ đi kèm. Ví dụ như câu số 8 đề minh họa, ta có cấu trúc: S+ hiện tại hoàn thành since S+ quá khứ đơn.
Cũng theo cô Cẩm Tiên, trong quá trình ôn tập, học sinh cần luyện nhiều ở phần viết, thành thạo việc xây dựng câu. Sau đó mới chuyển qua trắc nghiệm như một cách thử đáp án ngược thì hiệu quả của việc học sẽ tốt hơn, tất nhiên kết quả thi cũng sẽ tốt hơn. Còn đối với việc làm bài thi, đọc kỹ yêu cầu đề thi, chọn câu hỏi dễ làm trước, câu khó làm sau để tránh mất thời gian, không vội vã chọn đáp án mà hãy suy nghĩ chắc chắn để chọn đáp án đúng. Cần có phản xạ nhanh với các dạng bài thi trắc nghiệm. Làm câu nào chắc câu đó, để tránh mất thời gian.
Vĩnh Yên (ghi)
Bình luận (0)