Nhân kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Báo Giáo dục TP.HCM xin giới thiệu một số nhà giáo đại diện cho hàng ngàn giáo viên (GV) TP.HCM được nhận giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM và giải Võ Trường Toản năm 2016 sẽ tổ chức vào ngày 18 và 19-11.
Thầy Võ Văn Thấy |
Tạo clip dạy GDQP-AN trên facebook
29 năm đứng trên bục giảng, thầy Võ Văn Thấy, Tổ trưởng Tổ thể dục – giáo dục quốc phòng an ninh (GDQP-AN), Trường THPT Marie Curie đã nhận rất nhiều giải thưởng như GV dạy giỏi toàn quốc năm 2013, Bằng khen của UBND TP.HCM năm 2013 và năm 2014, Huy hiệu TP.HCM năm 2016… Đặc biệt, thầy đã đào tạo được 71 HS đạt giải Hội thi GDQP-AN cấp thành phố, 6 sáng kiến kinh nghiệm về chuyên môn. Khi hay tin mình đạt giải Võ Trường Toản, thầy Thấy phấn khởi: “Thật vinh dự khi tôi là GV đầu tiên của trường đạt giải Võ Trường Toản”.
Năm 1987, thầy Thấy đảm nhận nhiệm vụ GV giáo dục thể chất nhưng sau đó nhu cầu của Bộ GD-ĐT là đưa môn GDQP-AN vào chính khóa nên thầy tiếp tục học văn bằng 2 về bộ môn này. Thầy chia sẻ: “Những ngày đầu mới giảng dạy GDQP-AN (khoảng 10 năm trước), tôi gặp rất nhiều khó khăn vì phải làm lại từ đầu, từ việc học hỏi chuyên môn, soạn giáo án… Nhưng khó khăn nhất vẫn là HS thờ ơ vì cho rằng bộ môn quá khô khan, nhàm chán”.
Qua nhiều đêm trăn trở, thầy quyết tâm phải làm mới bộ môn sao cho sinh động hơn. Vậy là thầy đã tìm đọc nhiều tài liệu để tự nâng cao kiến thức, từ đó có nhiều hình thức chuyển tải thông tin đến HS. Chẳng hạn, khi giảng dạy bài học liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo quê hương, thầy cập nhật các dữ liệu liên quan về khẳng định chủ quyền để giải thích cho các em hiểu. Đồng thời, thay vì trình chiếu PowerPoint thì thầy lại chuyển thành phim, làm clip cho các em xem. Chưa hết, thấy học trò “nghiện” facebook, các bài thực hành về tháo lắp súng tiểu liên AK, băng bó vết thương, các tư thế cơ bản trong chiến đấu… thầy cũng quay clip rồi đưa lên trang cá nhân của mình. Và mỗi lần đăng tải như vậy có rất nhiều người vào xem, có khi nhận được cả 20.000 lượt xem. Nói về việc làm clip, thầy cho biết: “Công đoạn chuẩn bị, quay clip, cắt gọn hình ảnh mất khá nhiều thời gian nhưng sau mỗi clip học trò vào xem rất đông, đến giờ thực hành các em không còn lúng túng trong thao tác nên tôi có thêm động lực, niềm phấn khởi để đổi mới tiết dạy”.
Thầy Lường Minh Sơn (bìa trái) |
Dạy tiếng Việt trên đất bạn Lào
Ngoài thời gian giảng dạy và nghiên cứu khoa học, thầy Lường Minh Sơn (Trường ĐH Luật TP.HCM) còn nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện. Điển hình như tham gia chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh” tại mặt trận nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, tình nguyện viên thực hiện các đề án giáo dục pháp luật cho phạm nhân tại các trại giam khu vực phía Nam, tư vấn pháp luật cho công nhân lao động tại các KCX-KCN…
Tại chiến dịch Mùa hè xanh ở nước bạn Lào, thầy Sơn cùng các chiến sĩ tình nguyện đã tham gia rất nhiều hoạt động như phát thuốc cho người nghèo, chuyển giao công nghệ và hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp cho bà con nông dân, sinh hoạt thiếu nhi. Ngoài ra, thầy còn dạy học tại ĐH Champasak. Thầy Minh Sơn cho biết: “Tôi tham gia dạy tiếng Việt cho các anh chị cán bộ để chuẩn bị sang Việt Nam du học. Và đến nay, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau. Qua đó, cung cấp cho tôi nhiều kiến thức về văn hóa và pháp luật ở Lào”.
Làm chiến sĩ Mùa hè xanh ở Lào, thầy Sơn gặp không ít khó khăn nhưng lại có được tình cảm của bạn bè nước bạn. “Đội hình dạy tiếng Việt ban ngày phải dậy từ lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị mọi thứ và đi khám phát thuốc cùng đội hình các y bác sĩ. Chúng tôi, làm việc cật lực đến gần 2 giờ chiều mới ăn trưa rồi đi dạy đến 8 giờ 30 tối mới xong việc. Đáp lại sự vất vả đó, các anh chị học viên đã dành cho chúng tôi rất nhiều tình cảm” (thầy Sơn kể).
Những hoạt động phong trào năng nổ của thầy Sơn không chỉ thực hiện trong những năm gần đây mà ngay cả thời HS. Được biết, thầy Sơn là học trò đầu tiên của Trường THPT Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) được kết nạp Đảng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Học phổ thông, thầy tham gia rất nhiều các hoạt động văn hóa văn nghệ và phong trào do trường và địa phương tổ chức như cuộc thi “Cán bộ Hội Chữ thập đỏ giỏi”, hội thi “Tuyên truyền viên về phòng chống ma túy, HIV/AIDS”…
Qua những dự án, hoạt động tình nguyện thầy Sơn đều cố gắng thực hiện vào buổi tối, còn ban ngày thầy vẫn ưu tiên cho việc giảng dạy và nghiên cứu. Thầy Sơn cho hay: “Qua những dự án, chương trình, ngoài những ý nghĩa nhân văn, tôi học được rất nhiều điều. Tôi có thêm cơ hội để tiếp cận các vấn đề thực tế và đó là tư liệu để bài giảng của tôi thêm sinh động; đó cũng là nguồn cung cấp ý tưởng để tôi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học…”.
Thầy Phạm Quốc Thảo |
Thầy giáo của HS nghèo
Mới tham gia công tác giảng dạy 3 năm nhưng thầy Phạm Quốc Thảo, GV Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, Q.1 đã tổ chức nhiều chương trình quyên góp, vận động cho HS nghèo vượt khó. Thầy đã vận động được 17 suất học bổng cho 17 em có nhà bị hỏa hoạn tại khu chợ Gà trị giá 61 triệu đồng, vận động 20 suất học bổng dịp Trung thu cho HS khó khăn trị giá 4 triệu đồng, vận động 44 suất học bổng Thắp sáng ước mơ trị giá 4,4 triệu đồng…
Nói về động lực giúp mình thực hiện điều này, thầy Thảo chia sẻ: “Đó chính là tình yêu thương và trách nhiệm cao quý mà bất kì thầy, cô nào cũng dành cho học trò mình. Tùy mỗi điều kiện khác nhau, hình thức khác nhau nhưng các thầy, cô vẫn luôn âm thầm dành sự quan tâm, giúp đỡ để các em HS thêm tự tin, thêm động lực vượt qua khó khăn tiếp tục đến trường học tốt…”.
Thầy cho rằng, trường còn rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nên các suất học bổng mà mình xin được còn mang tính ủng hộ về mặt tinh thần. Vì vậy thầy luôn tự nhủ sẽ cố gắng hơn nữa để những HS nghèo có thêm niềm vui trong cuộc sống.
Dương Bình
Bình luận (0)