Ít ai nghĩ rằng dây da đồng hồ, mặt dây nịt, trang sức kim loại, băng keo hay nút quần jean có thể là nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc.
Nhiều chị em phụ nữ gặp rắc rối với chính những phụ kiện làm đẹp gây ra ngứa như dây chuyền, lắc tay, bông tai… – Ảnh minh họa: Thanh Đạm |
Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, thực tế đây là những thủ phạm ẩn mình gây ngứa, phù nề, nổi mụn nước li ti… tại vùng da tiếp xúc.
Nếu không nhận biết nguyên nhân và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tình trạng dày sừng hóa, sẹo xấu, tăng sắc tố sau viêm…
Bể vòng cẩm thạch mới biết mình bị dị ứng
Chị L.H. rất mê đồng hồ dây da, chị không hiểu sao cứ sau một ngày đeo đồng hồ, tay chị nổi mẩn ngứa hột hột vòng quanh như đeo vòng ở vị trí đồng hồ. Với kiểu ngứa giống chị H., chị M.Tr. – thợ uốn tóc tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) – cho biết chị bị lở hết tay khi gội đầu cho khách, ngoài ra khi đeo vòng vàng chị cũng bị mẩn ngứa hết cổ.
BS Lê Đức Thọ, Bệnh viện quốc tế City, cho biết có trường hợp người bệnh được bác sĩ chuyên khoa da liễu khám bệnh, cho làm rất nhiều xét nghiệm để tầm soát các dị ứng nguyên gây bệnh nhưng đều âm tính. Một hôm, người bệnh bị té, vỡ mất chiếc vòng cẩm thạch đeo cổ tay, sau ngày đó các triệu chứng viêm da dị ứng hoàn toàn biến mất.
Trường hợp khác, một người đàn ông bị ngứa vùng bụng đến khám không hề nghĩ rằng mình bị dị ứng với mặt dây nịt kim loại, cho đến khi BS Lê Thái Vân Thanh, giảng viên bộ môn da liễu ĐH Y dược TP.HCM, yêu cầu ngồi xuống để kiểm tra thì phát hiện khi ngồi, một phần mặt dây nịt chạm vào bụng của người này và nguyên nhân gây ngứa bụng được tìm ra.
Viêm da tiếp xúc do đâu?
Theo BS Lê Đức Thọ, viêm da tiếp xúc là tình trạng xảy ra hoàn toàn không mong muốn do cơ thể không dung nạp với một số tác nhân nhất định gọi là dị ứng nguyên.
Có rất nhiều tác nhân gây viêm da tiếp xúc, trong đó có những vật dụng mọi người mang, mặc, đụng chạm hằng ngày và ít ai ngờ tới. Đó có thể là thuốc, mỹ phẩm, hóa chất tẩy rửa, xà phòng, thuốc nhuộm tóc, quần áo, vật dụng trang sức, giày dép, kim loại, da, cao su, cây cỏ, côn trùng…
Rất nhiều chị em phụ nữ gặp rắc rối với chính những phụ kiện làm đẹp gây ra ngứa như dây chuyền, lắc tay, bông tai, nhẫn, đồng hồ…
“Về kim loại, những kim loại nằm ở phần đầu của bảng phân loại tuần hoàn như đồng, kẽm, sắt, bạc, niken… thường gây nên tình trạng viêm da tiếp xúc nhiều hơn so với những kim loại cuối bảng như vàng, bạch kim. Trong đó, niken là loại dễ bắt gặp nhất với hơn 90% phụ trang như nữ trang, mặt dây nịt, nút quần jean, quai giày… có dính dáng tới kim loại này”, BS Lê Thái Vân Thanh chia sẻ.
Hai loại viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc có hai dạng là kích ứng và dị ứng với những biểu hiện khá tương đồng.
Triệu chứng của viêm da tiếp xúc kích ứng là đỏ da, nổi những mụn nước nhỏ li ti, hơi phù nề và đặc biệt là rất ngứa tại vùng tiếp xúc với chất, vật gây dị ứng. Khi người bị dị ứng gãi mạnh và làm bể các mụn nước thì có cảm giác như vết ngứa càng lan rộng hơn. Nếu không nhận biết nguyên nhân để cắt tiếp xúc thì thương tổn có thể ngày một lan ra quanh vùng tiếp xúc.
Với viêm da tiếp xúc dị ứng, diện tích tiếp xúc càng lớn, phản ứng dị ứng càng nghiêm trọng. Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm da tiếp xúc dị ứng gồm: nổi mụn nước (có thể hóa mủ do bội nhiễm vi khuẩn), da tiết dịch, đóng vảy, ngứa…
Trường hợp nghiêm trọng hơn, vị trí tổn thương không chỉ nằm tại vùng da tiếp xúc mà có thể lan rộng bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Thương tổn có thể lan vào vùng niêm mạc, bán niêm mạc như: môi khô, mắt xung huyết, viêm kết mạc mắt…
Điều trị ra sao?
Theo các bác sĩ, khi bị viêm da tiếp xúc dị ứng hay kích ứng, người bệnh cần phải tránh tiếp xúc, ngưng sử dụng ngay các chất nghi ngờ và đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán, điều trị sớm.
Việc tiếp tục sử dụng các thuốc, hóa mỹ phẩm gây dị ứng hoặc tự ý dùng thêm các loại thuốc bôi không phù hợp sẽ làm tình trạng bệnh nặng thêm. Nguy hiểm hơn, có thể gây biến chứng bội nhiễm vi khuẩn hoặc chàm dày sừng hóa do gãi nhiều, khi chữa lành có thể để lại sẹo xấu, tăng sắc tố sau viêm.
Một lưu ý khác khi da bị tổn thương, không nên tiếp xúc với những chất dễ gây kích ứng nhiều hơn như xà phòng, nước rửa chén, chất tẩy rửa…, dù trước đó không dị ứng với những chất này.
Trong trường hợp thương tổn nặng như phù nề nhiều, đỏ da, mụn nước rỉ dịch nhiều, thương tổn lan rộng, các bác sĩ thường cho người bệnh dùng thêm các sản phẩm sát trùng, kem, chất dưỡng ẩm… để cung cấp nước cho da.
Đã dị ứng thì tiếp xúc ít vẫn dị ứng Thường người bệnh không biết chính xác vì sao mình bị ngứa và nổi đỏ ngoài da, vẫn cho rằng những vật thường dùng này chắc không thể nào gây nên tình trạng viêm da tiếp xúc cho mình được. Một số chất như thuốc tẩy hoặc các chất ăn mòn có thể gây viêm da tiếp xúc ngay từ lần đầu tiên. Tuy nhiên, có một số chất phải mất thời gian lâu dài sử dụng nhiều lần mới gây ra phản ứng viêm da. Điều này khiến người bệnh có thể nghi ngờ, không tin tưởng lắm vào lời khuyên ngưng sử dụng tiếp của bác sĩ điều trị. Cần lưu ý là một khi đã phát triển tình trạng dị ứng với một chất cụ thể nào thì sau này, dù chỉ tiếp xúc với một lượng nhỏ cũng sẽ xảy ra viêm da dị ứng với mức độ trầm trọng hơn. BS Lê Đức Thọ |
BS Lê Thái Vân Thanh cho biết những người có cơ địa dị ứng đặc biệt mà vẫn muốn sử dụng mặt dây nịt, trang sức kim loại, quần jean… thì có thể áp dụng các cách sau: – Đối với dây nịt: nên bỏ áo vào quần, tránh để dây nịt tiếp xúc trực tiếp với da lúc đứng, ngồi và khi vận động. – Đối với quần jean: khi mặc nên đặt một phần vạt áo trước vào quần để tránh sự tiếp xúc trực tiếp của nút quần jean bằng kim loại với da bụng. – Chị em phụ nữ thích đeo nữ trang thì có thể đeo một quãng thời gian rất ngắn rồi tháo ra. Khi đeo lần đầu, nên để ý quãng thời gian bao lâu từ khi đeo đến khi thấy hơi ngứa, có cảm giác châm chích ở vùng da tiếp xúc để lần sau đeo trang sức ấy với thời gian ngắn hơn. |
Bình luận (0)