Khi đặt vấn đề tự chủ các đơn vị sự nghiệp công (SNC), Chính phủ hướng tới đổi mới toàn diện, nâng cao tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng thời nhằm giảm gánh nặng “bao cấp”. Nhưng thực tế, việc này đang thực thi rất chậm và mỗi năm, bầu sữa mẹ ngân sách vẫn phải chi cả trăm ngàn tỷ để nuôi “những đứa con” thụ động, ỷ lại.
10 năm, mới 3% tự chủ được
Theo khảo sát của Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, tính tới 30/4/2014, cả nước có 56.133 đơn vị SNC. Tuy nhiên, có gần 40.000 (hơn 70%) số đơn vị vẫn trông chờ ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động; hơn 14.600 đơn vị (26%) tự chủ được một phần chi phí; chỉ có hơn 1.800 đơn vị (3,2%) tự chủ được toàn bộ chi phí hoạt động.
TS Trần Văn Ngợi, Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) cho rằng, trao cơ chế tự chủ với các đơn vị SNC là cần thiết, giúp nâng cao chất lượng phục vụ, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, khi khối đơn vị SNC đang “ngốn” số tiền rất lớn từ chi thường xuyên. Tuy chủ trương này được thực hiện từ năm 2006, nhưng tới nay số đơn vị tự đảm bảo chi phí hoạt động vẫn rất ít. “Nhiều đơn vị không muốn tự chủ, mà vẫn trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, làm nặng gánh ngân sách. Đồng thời, duy trì bao cấp như vậy cũng cản trở tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công ích”, ông Ngợi nói.
Theo Nghị định 16/2015 của Chính phủ, hết quý 4/2015, các bộ ngành phải trình Thủ tướng ban hành các nghị định về cơ chế tự chủ của các đơn vị SNC trong lĩnh vực mình quản lý. Tuy nhiên, tới nay (quá hạn 1 năm) mới có 2 nghị định được ban hành, 4 nghị định mới trình Thủ tướng. Thậm chí, nghị định về tự chủ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (của Bộ GD&ĐT xây dựng) vẫn đang lấy ý kiến lần 2.
Như lộ trình Chính phủ đặt ra, tới năm 2016, sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định) vào giá, phí dịch vụ của các đơn vị SNC. Tới năm 2018, tính thêm chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định) vào giá, phí. Tới năm 2020, tính toàn bộ chi phí trên vào giá, phí. Tuy vậy, lộ trình này khó thực hiện được, vì hiện số đơn vị SNC thực hiện tự chủ chiếm tỷ lệ rất thấp. Đặc biệt, 2 khối ngành có đơn vị SNC nhiều nhất, và “ngốn” ngân sách nhà nước nhiều nhất là giáo dục và y tế đều chậm trong xây dựng khung pháp lý.
Bộ Tài chính “sốt ruột”
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiến độ các bộ, địa phương triển khai thực hiện tự chủ với đơn vị SNC rất chậm so với thời gian yêu cầu của Thủ tướng. Đa số các địa phương còn chờ nghị định, văn bản hướng dẫn của các bộ. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan tại địa phương chưa chủ động đề xuất danh mục dịch vụ SNC, quy hoạch mạng lưới đơn vị SNC sử dụng ngân sách nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Tài chính Hành chính Sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, số tiền ngân sách hằng năm chi cho các đơn vị SNC cực kỳ lớn. Theo ông Trường, khi giao quyền tự chủ, có đơn vị sẽ băn khoăn. Nhưng khi đã tự chủ, các đơn vị phải có kế hoạch thực hiện, không có chuyện tự chủ một thời gian lại xin dừng để được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Theo ông Trường, trong gần 10 năm qua đã có một số đơn vị SNC thực hiện thí điểm tự chủ, kết quả thu được rất tốt, đặc biệt về mặt tài chính. Tuy vậy, do các bộ chậm trình ban hành quy định, nên tới nay mới thực hiện được một phần tự chủ tài chính với đơn vị y tế, khoa học – công nghệ, các lĩnh vực khác vẫn chưa chuyển động. Điều này, theo đại diện Bộ Tài chính, do việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập từ nhà nước bao cấp sang tự chủ rất mới, các bộ ngành cũng thận trọng. “Một số đơn vị SNC chưa sẵn sàng, còn tâm lý trông chờ vào ngân sách nhà nước. Hiện chúng tôi cũng rất sốt ruột”, ông Trường nói.
Để thực hiện được chủ trương trên có kết quả, theo đại diện Bộ Tài chính, cần tới quyết tâm, kiên quyết từ cấp Chính phủ tới địa phương, đặc biệt các đơn vị SNC. “Bộ Tài chính đã có rất nhiều văn bản đôn đốc các bộ ngành triển khai tự chủ tài chính với các đơn vị SNC do mình quản lý. Mới đây chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ Y tế, GD&ĐT, vì đây là 2 lĩnh vực lớn, có yếu tố quyết định tới thành bại của chủ trương tự chủ này”, ông Trường nói. Tuy vậy, theo ông, đa số đơn vị công lập vẫn mong được tự chủ.
Theo số liệu quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 do Bộ Tài chính công bố, trong tổng chi thường xuyên, ngân sách chi cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề lên tới 174.777 tỷ đồng; chi khoa học và công nghệ 7.028 tỷ đồng, chưa tính các khoản chi cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, và các lĩnh vực khác. Riêng 2 trường đại học quốc gia là Hà Nội và TPHCM, năm 2014, đã nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương hơn 1.670 tỷ đồng.
Lê Hữu Việt (TPO)
Bình luận (0)