Nuôi thủy hải sản trên đất lúa
Mải mê gây dựng trang trại nuôi trồng thuỷ sản, cô chủ Nguyễn Thị Thơm (SN 1982, ở xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, Hải Dương) đến nay vẫn chưa yên bề gia thất. Với vai trò Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Phạm Kha, hằng ngày cô vừa chăm lo công tác Đoàn, vừa tất tả chạy đi chạy lại trang trại đốc thúc, theo dõi công nhân làm việc. Ít ai có thể ngờ, một cô gái nhỏ nhắn từng tốt nghiệp ĐH Sư phạm 1 Hà Nội, chuyên ngành công tác xã hội, lại có sức mạnh làm những việc không tưởng như vậy. “Đấy là quyết định vô cùng liều lĩnh của tôi. Bởi ở một xã thuần nông không ai tin tôi có thể nuôi trồng được thuỷ sản”, Thơm nói.
Nguyễn Thị Thơm nhớ lại: Năm 2007, ở xã có khoảng 10 ha đất ruộng bà con trồng cấy đạt năng xuất thấp, chán nản để gần như bỏ hoang. Khi đó vừa học xong trở về tôi nảy ra ý tưởng chuyển diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang làm trang trại và nuôi trồng thuỷ sản. Tôi đã vận động gia đình và vận động các hộ dân có diện tích đang bỏ hoang hoá chuyển nhượng cho gia đình mình.
Khi được các hộ gia đình đồng thuận chuyển nhượng và được phép chuyển mục đích sử dụng, Thơm sắn tay quy hoạch khu trang trại và đào ao nuôi trồng thuỷ sản. Tổng diện tích mà Thơm thực hiện chuyển đổi lên tới 14,5ha. Tổng kinh phí để Thơm đầu tư vào trang trại là 6 tỉ đồng, trong đó vay từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng đầu tư 5 tỷ đồng, của gia đình huy động được 1 tỷ đồng. Với số tiền đầu tư lớn, Thơm đã khiến nhiều người lo lắng. Thơm gạt hết chuyện tình cảm riêng tư, giành mọi tâm trí, sức lực cho trang trại.
Mồ hôi, công sức của cô gái tràn đầy quyết tâm lập nghiệp trên đất nghèo đã cho trái ngọt xứng đáng. Doanh thu hàng năm từ trang trại đạt gần 10 tỷ đồng, trong đó chi phí giống, công lao động và các chi phí nhu cầu thiết yếu khác gần 8 tỷ đồng, lãi xuất hàng năm gia đình Thơm thu được trên 2 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động là thanh niên trên địa bàn xã.
Với vai trò thủ lĩnh thanh niên của xã, Thơm thường xuyên mở các lớp tập huấn ngắn hạn và dài hạn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đoàn viên thanh niên tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi trang trại và nuôi trồng thuỷ sản. Thơm mong muốn tổ chức Đoàn có thêm nhiều nguồn vốn giúp thanh niên khởi nghiệp. Họ được tiếp cận với các kiến thức, nguồn giống, thức ăn chăn nuôi ưu đãi của các doanh nghiệp… để có thể tự làm giàu bằng đôi bàn tay của mình.
Lập trang trại nơi vùng biên
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo khó, lại đông anh chị em nên khi Đỗ Minh Thông (SN 1987, ở xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang, Hà Giang) thi đỗ Đại học Lâm nghiệp, cả gia đình lo lắng khoản tiền học trong 5 năm của cô. Sớm ý thức được sự khó khăn đó, Thông vừa nhập học đã ngay lập tức đi kiếm việc làm. Thông xin vào làm thuê ở một xưởng gỗ ván bóc để lấy tiền đóng học phí.
“Năm 2009 ra trường, nhận thấy nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích phát triển trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, tôi đã vay mượn mở xưởng gỗ bóc. Tôi đã học được kinh nghiệm và kỹ thuật trong thời gian làm thuê. Nguồn nguyên liệu của xưởng chính là gỗ rừng trồng của các hộ dân. Do đó khi mở xưởng chúng tôi không gặp nhiều khó khăn”, Thông nhớ lại. Sau thấy xưởng gỗ của Thông làm ăn sinh lời, có nhiều xưởng gỗ mở theo. Thông liền nhận bao tiêu toàn bộ đầu ra của các xưởng đó, xuất bán sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang).
Lập gia đình năm 2010, Thông cùng chồng định cư ở gần cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy để xây dựng kho bãi tập kết thuận tiện cho việc xuất khẩu gỗ. Khi xưởng gỗ đi vào hoạt động ổn định, năm 2015, Thông quyết định giao chồng quản lý, còn mình mở trang trại theo hướng phát triển nông nghiệp xanh.
Thông đầu tư gần 5 tỷ đồng vốn liếng vào trang trại chăn nuôi bò thịt kết hợp với trồng cỏ và Thanh long ở thôn Lùng Châu, xã Phong Quang với quy mô 20 ha. Thông quy hoạch trang trại trồng 2ha 1.600 trụ cây Thanh long, 17 ha trồng cỏ voi, xây dựng 2 trại nuôi bò với khởi điểm 100 con, trong đó 60 con bò giống Sind và 40 con bò vàng Việt Nam. Và thành công đã đến ngoài sức tưởng tượng. Sau một năm, Thanh long cho thu hoạch lứa đầu tiên vào tháng 8 vừa qua với sản lượng 4 tấn quả; 100 con bò thịt tăng trưởng khoẻ mạnh…
Với kiến thức học từ trường ĐH Lâm nghiệp cùng khả năng sáng tạo không ngừng, quá trình triển khai xây dựng trang trại, Thông luôn áp dụng phương pháp mới. Thông dùng hệ thống cung cấp nước tự động, máy chế biến thức ăn cho gia súc phải là loại máy hiện đại. Đặc biệt, Thông đã thay đổi toàn bộ cách dự trữ thức ăn ủ chua cho gia súc. Theo cách ủ chua thức ăn thông thường là dùng hố ủ, túi ủ hoặc xây bể, Thông cải tiến khi dùng toàn bộ bằng thùng phi nhựa. Với cách mới này tiện sử dụng, vận chuyển. Mỗi lần sử dụng thức ăn ủ chua không có nguy cơ bị hỏng với số lượng lớn. Do vậy thức ăn cho gia súc lúc nào cũng đảm bảo, kể cả khi thời tiết khắc nghiệt nhất.
Theo tính toán sơ sơ của Thông, doanh thu từ trang trại đạt trung bình từ 1,6 đến 1,8 tỷ đồng/ năm, tạo việc làm thường xuyên cho 6 – 16 lao động tại địa phương, đóng góp cho ngân sách hàng trăm triệu đồng.
Hiện vợ chồng Thông sở hữu 5 xe ô tô các loại, trong đó 3 xe tải phục vụ vận chuyển, 2 xe con để vợ chồng cô đi lại giữa trang trại và xưởng gỗ. Không chỉ đam mê làm giàu, Thông còn là Phó bí thư Đoàn xã Thanh Đức, huyện Vị Xuyên. Thông cũng thường xuyên truyền lửa lập nghiệp, kinh nghiệm làm giàu cho đông đảo thanh niên trong xã.
Phương Hiếu (TPO)
Bình luận (0)