Thầy Cương và những học sinh người H'Rê – Ảnh: Trần Mai |
K’Rể năm nay 8 tuổi nhưng chỉ nặng 3,5kg và cao 50cm. Cậu đã bắt đầu học lớp 1 được ba tháng. Để K’Rể có thể ngồi vào lớp học, thầy Cương đã mất cả năm trời chăm bẵm cho K’Rể làm quen với bạn bè và không còn nhút nhát. Thầy Cương còn thiết kế một bàn học và ghế đặc biệt phù hợp với thể hình của K’Rể.
Với thầy Cương, mục đích đầu tiên khi đưa cậu bé tí hon ra trường là để cậu không sợ người lạ. Sau nhiều tháng xuống ở cùng thầy Cương, giờ K’Rể theo học lớp 1B, không còn sợ hãi người lạ nữa, cha mẹ của bé rất vui.
Năm nay vừa tròn 42 tuổi, người thầy giáo quê tận tỉnh Thái Bình đã có 19 năm gắn bó với những ngôi trường tít tận non cao. Thầy Cương nói: “Tôi bảo thầy cô dạy ở núi rừng thường “đứng núi này trông núi nọ”. Sau mấy dãy núi kia chỗ nào cũng có học trò của mình. Mình bỏ chỗ nào không đến đưa lũ trẻ ra trường là tụi nhỏ thành trẻ mù chữ ngay”.
Thương học trò, thầy Cương bàn bạc với thầy cô trong trường nghĩ ra nhiều mô hình để các cô cậu bé H’Rê an tâm học tập. Mô hình “Nội trú nhỏ” là một trong những việc làm như vậy. Đó là vào năm 2009, một cơn bão lớn đã quật ngã phòng học ở điểm trường thôn Gò Da. Hôm đó, thầy bàn với các giáo viên ở trường đưa học sinh thôn Gò Da xuống học ở điểm trường chính và ở nội trú, nhà trường lo ăn uống cho các em.
Có ý tưởng nhưng không có kinh phí, thầy Cương lại đi xin gạo, xin thức ăn từ nhiều nguồn khác nhau về nuôi trò. Việc làm này lan tỏa nhanh, mỗi lúc nhận càng nhiều sự quan tâm của xã hội, học sinh ở xa trường hay mồ côi có thể an tâm học tập và sống trong sự chăm sóc, cưu mang của thầy cô ngay tại trường. “Ba năm nay các em có chế độ trợ cấp của Nhà nước, mỗi tháng hơn 400.000 đồng nên khỏe rồi” – thầy Cương cho biết.
Với phương châm trên lớp là thầy cô, xuống phòng nội trú là cha mẹ, thầy Cương chỉ bảo các em từ cách xưng hô, đi vệ sinh đến tư thế ngồi học. Ở trường, có những phận đời học trò H’Rê mồ côi được nuôi. Cô học trò mồ côi Đinh Thị Thiểu ngây thơ nói: “Con học nội trú được ăn no, sách vở thầy cô cũng lo cho. Con thương thầy cô nhiều lắm. Con sẽ cố gắng học tập cho thầy cô vui”.
Trong khuôn viên trường, thầy Cương còn tạo ra một “nông trại” rộng 500m2 với đầy đủ rau xanh, bầu bí, gà vịt để cải thiện bữa ăn và rèn kỹ năng sống cho các em học sinh.
Đầu năm học này thầy Cương cũng đã thuyết phục được nhóm thiện nguyện Facebook Quảng Ngãi mang hàng nghìn suất quà là dụng cụ học tập, sách vở và đồ chơi đến với học sinh trường mình và cả trường mầm non, THCS ở xã Sơn Ba.
Với tâm huyết và những đóng góp của mình, thầy Cương là tấm gương điển hình của ngành giáo dục tỉnh Quảng Ngãi. Tại hội nghị công tác quản lý giáo dục toàn quốc, thầy Cương được mời tham gia tham luận và là điển hình tiên tiến trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Ngày 15-11, thầy Cương đã đại diện đội ngũ giáo viên tỉnh Quảng Ngãi tham dự hội nghị “Tôn vinh nhà giáo tiêu biểu chào mừng ngày 20-11” do Bộ GD-ĐT tổ chức. Chuyến đi này, thầy Cương cho K’Rể đi theo để dẫn K’Rể đến Bệnh viện Nhi Đồng khám bệnh.
Ông Đặng Ngọc Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết thầy Cương là một nhà giáo tâm huyết. “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, luôn tìm tòi, sáng tạo những mô hình giáo dục mới; có nhiều kiến nghị, giải pháp cho giáo dục miền núi” – ông Dũng nói.
Theo TTO
Bình luận (0)