Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Nước tẩy rửa sinh học từ… rác!

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 3 tháng sau khi xin… rác thải về nghiên cứu, nhóm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã chế thành công nước tẩy rửa sinh học. Sáng chế này đã đạt huy chương bạc tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo TP.HCM 2016.

Sinh viên Lê Văn Vũ Linh và Trương Bội Linh cùng với sản phẩm đạt huy chương bạc tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo TP.HCM 2016

Bên cạnh đó, các sinh viên này cũng góp mặt trong 1 đề tài khác cùng đạt huy chương bạc tại liên hoan. Nhóm sinh viên gồm Lê Văn Vũ Linh, Trương Bội Linh và Phạm Tiến Đạt cùng học năm 3 ngành quản lý tài nguyên và môi trường.

Đại diện nhóm, Vũ Linh cho biết, ban đầu em chỉ tò mò thử ủ rác từ thực phẩm để bón cây theo phương pháp trên một số bài báo. Tuy nhiên, sản phẩm cho ra là dung dịch có ứng dụng tẩy rửa, đem dùng thử với thau chén trong nhà thấy trắng bóng, thế là em cùng 2 bạn còn lại lên kế hoạch tiếp tục thực hiện. Các thành viên phân công nhau đến các chợ xin… rác thải từ rau củ quả bỏ đi và chai nhựa về phân loại, cắt gọt lại, chia tỷ lệ và ủ. Qua 45 ngày, hơn 10 chai dung dịch tẩy rửa đầu tiên ra lò, tuy nhiên vẫn còn nặng mùi khó chịu. Cả nhóm lại xắn tay áo tìm kiếm thêm tài liệu, trao đổi, nhờ giảng viên hướng dẫn tìm biện pháp xử lý. Nhóm chọn phương án thử nghiệm tách trộn riêng các loại vỏ trái cây và rau quả. Đồng thời, nhóm chú ý phối trộn thêm vỏ những trái cây có hương thơm như mít, chanh, bưởi… để lấn át mùi hôi. Kết quả khử mùi dung dịch thành công sau đó.

“Hiện, thời gian ủ để cho ra sản phẩm khá dài nên sau này, chúng em sẽ tiếp tục nghiên cứu tìm cách rút ngắn lại”, Vũ Linh nói. Thông qua sản phẩm, nhóm mong muốn mọi người được sử dụng chất tẩy rửa thân thiện môi trường. Đồng thời đây còn là cách tạo cho rác thải những giá trị hữu dụng. Tuy nhiên, với sức và “túi tiền” sinh viên, việc sản xuất mở rộng sản phẩm là điều chưa thể thực hiện ngay được. Đây sẽ là một trong những định hướng lâu dài.

Sản phẩm nước tẩy rửa sinh học được chế từ rác

Đối với Vũ Linh, nghiên cứu khoa học dù vất vả nhưng sẽ không cảm thấy… vất vả nếu sinh viên thực sự có đam mê. Đồng thời, cạnh mình cũng có những người cùng đam mê. Chính những người ấy sẽ vực mình đứng dậy trong những lúc khó khăn, nản chí vì hoạt động nghiên cứu sáng chế, không phải làm một lần là thành công ngay.

Vũ Linh chia sẻ thêm, em may mắn từng được thầy hướng dẫn cho tham gia nghiên cứu chung đề tài về xử lý bùn thải từ các nhà máy vào thời điểm năm 2 và đây là đề tài đầu tiên em góp sức. Nhờ quá trình tập tành đó mà em tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, phục vụ cho việc sáng chế sau này. “Đối với sinh viên, việc nghiên cứu, sáng chế nên bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ, gần gũi, thực tế và ít tốn kém nhất. Bởi nếu các bạn xuất phát bằng những đề tài tốn kém quá, có thể không kiếm ra kinh phí để thực hiện hoặc nếu thất bại sẽ khó duy trì nghiên cứu thêm những lần sau”, Vũ Linh nhấn mạnh.

Thục Trân

 

Bình luận (0)