Quy định phạt người đi xe máy không sang tên đổi chủ chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ được áp dụng (từ ngày 1-1-2017), nhưng đâu đó vẫn còn những ý kiến chưa đồng thuận vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Từ ngày 1-1-2017, người dân không sang tên phương tiện, CSGT sẽ áp dụng điều 30 Nghị định 46, phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng |
Mỗi người mỗi hoàn cảnh
Chị Nguyễn Minh Nhật (ngụ 81/5C đường Tân Tiến 4, ấp Tân Tiến, xã Xuân Thới Đông, Hóc Môn) cho biết, cách đây 5 năm do không có hộ khẩu thành phố nên chị đã nhờ người họ hàng đứng tên mua xe hiệu Vision biển số: 59 S1- 46687. Trước quy định phạt xe không chính chủ sắp có hiệu lực, chị đang rất lo lắng vì ngày phép không còn, công việc của một nhân viên kế toán thời điểm cuối năm lại đang rất căng thẳng, mà thời gian để thực hiện việc sang tên chẳng còn bao lâu nữa. Do đó, chị có đề xuất chính quyền thành phố chỉ đạo các công ty, doanh nghiệp tạo điều kiện để nhân viên có thể sử dụng thời gian hành chính trong tuần làm thủ tục sang tên đổi chủ cho kịp thời.
Quy định này không chỉ làm khó cho người đi làm, mà cả với sinh viên sống xa nhà như em Bùi Xuân Tài. Tài cho biết, em là sinh viên nghèo từ tỉnh vào thành phố đi học, được người anh ruột cho chiếc xe máy để vừa đi học vừa đi làm. Tài nhẩm tính “nếu về quê để làm thủ tục sang tên đổi chủ nguyên tiền vé tàu xe đã hết hơn 1,4 triệu đồng (bằng 3/4 tiền làm thêm 1 tháng). Chưa kể em còn phải nghỉ học, nghỉ làm thì sẽ có nguy cơ bị đuổi việc.
Theo ông Nguyễn Đinh, các quy định làm hồ sơ sang tên quá nhiều khâu khiến những người xa quê sẽ phải rất vất vả khi phải đến tỉnh thành của chủ xe đứng tên đăng ký xin mẫu giấy, về công an xã xin xác nhận, đến phòng CSGT tỉnh đó xin rút hồ sơ gốc, rồi mới đem về tỉnh mình làm thủ tục sang tên mình. Đó là lý do anh đang sống ở miền Bắc không thể vào miền Nam để rút hồ sơ chiếc xe máy đời 78-79, nên theo anh “cách tốt nhất là khi bị CSGT truy lỗi xe chính chủ, tôi sẽ bỏ của chạy lấy người cho xong”.
CSGT sẽ không được dừng xe để kiểm tra “chính chủ”
Đó là khẳng định của Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC 67) Công an TP.HCM. Trung tá Phong lưu ý, lực lượng CSGT khi hoạt động tuần tra trên đường chỉ tiến hành xác minh xe chính chủ trong 2 trường hợp là khi người điều khiển phương tiện lưu thông có liên quan đến các vụ TNGT từ nghiêm trọng trở lên, hoặc khi làm thủ tục sang tên tại các cơ quan chức năng thì phát hiện vi phạm Nghị định 46. Theo đó, Nghị định 46 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định trong khoảng thời gian 30 ngày khi mua bán phương tiện, phải thực hiện thủ tục sang tên. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 46, với mức phạt từ 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân và từ 200.000-400.000 đồng đối với các tổ chức.
Nhằm giải đáp những vướng mắc về việc sang tên đổi chủ đối với những xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người, điều 24 Nghị định 46 quy định giải quyết đăng ký sang tên xe như sau: Đối với người đăng ký sang tên xe trong cùng tỉnh, hồ sơ gồm giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú); Chứng từ nộp lệ phí trước bạ; Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng; giấy chứng nhận đăng ký xe.
Đối với trường hợp người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, hồ sơ gồm: Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú); Chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe; giấy chứng nhận đăng ký xe.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)