Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Khổ vì chứng ngủ rũ

Tạp Chí Giáo Dục

Có người tìm được giấc ngủ thật khó khăn nhất là khi ở tuổi về già. Tuy nhiên lại có người không hiểu sao lại “đặt đâu ngủ đó”. Ngủ nhiều bất kể thời gian giờ giấc trong y học gọi là chứng bệnh ngủ rũ.

Cách phòng ngừa là phải có cuộc sống, tinh thần thoải mái làm việc điều độ tránh thức khuya, làm việc bất chừng (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Chứng ngủ rũ gây mệt mỏi, thiếu thoải mái và đặc biệt là ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hiệu quả công việc.

Ngủ gà ngủ gật

Ngủ là một nhu cầu không thể thiếu đối với cơ thể chúng ta và chiếm khoảng 1/3 thời gian của cuộc đời mỗi người. Trẻ mới sinh ra cần ngủ đến 20 giờ mỗi ngày, điều này cho thấy tầm quan trọng của giấc ngủ đối với quá trình phát triển thể chất và tinh thần của chúng ta. Rối loạn giấc ngủ là chứng bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới do nhiều nguyên nhân trong đó do thiếu ngủ và do thuốc. Những người như bảo vệ, tài xế, in ấn, lao công làm việc quá nhiều, làm việc ban đêm, trực gác do thiếu giấc nên phải ngủ bù ban ngày. Vì thế người bệnh có các biểu hiện khó thức dậy, ngủ gật trong ngày, giảm hiệu suất làm việc. khó tập trung chú ý, bồn chồn dễ cáu giận. Chứng ngủ rũ liên quan đến rối loạn giấc ngủ hay nói cách khác do rối loạn giấc ngủ mà sinh ra chứng ngủ rũ.

Tuy không phải là căn bệnh phổ biến nhưng trong thực tế đã có người khổ sở vì không kiềm chế được cơn buồn ngủ chẳng biết từ đâu kéo đến. BS Nguyễn Thi Phú – Khoa Tâm thần kinh (BV Nguyễn Tri Phương) cho biết, những rối loạn này liên quan đến số lượng và chất lượng của trạng thái tỉnh táo trong ngày, biểu hiện bằng các biểu hiện ngủ nhiều, buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật trong ngày. Nếu ngủ nhiều quá không ý thức được giấc ngủ thì khi đó bệnh nhân đã mắc chứng ngủ rũ.

Đó cũng là tình trạng “ngáp dài ngáp ngắn” của một số thanh niên trẻ khi đang nói chuyện hay làm việc. Cơn buồn ngủ kéo đến nhanh hơn khi họ ngồi đọc sách, học bài, ngồi xe tàu máy bay, xem ti vi hoặc xem phim trong rạp. Mặc dù do hoàn cảnh không cho phép người trong cuộc tìm cách chống lại cơn buồn ngủ nhưng hầu như lực bất tòng tâm vì giấc ngủ đã hạ gục đôi mắt của họ. Chứng ngủ rũ thường có 4 triệu chứng phối hợp như những cơn gà gật thường xảy ra cùng một thời điểm trong ngày đối với mỗi người bệnh và những cơn ngủ rũ bất ngờ xuất hiện không thể cưỡng lại được. Những cơn mất trương lực cơ bất chợt xảy đến kéo dài trong một thời gian ngắn sự giãn trương lực cơ này có thể toàn thân nhưng cũng có thể khu trú ở một vài cơ quan như gục đầu, khuỵu gối. Những ảo giác thị giác, thính giác xảy đến trong giai đoạn ru giấc ngủ gây hoảng sợ. Những biểu hiện liệt trong giấc ngủ đặc trưng bởi sự mất hoàn toàn mọi cử động cơ bắp, không thể hít thở với biên độ bình thường, hiện tượng này xảy ra vào lúc tỉnh giấc. Biểu hiện một giấc ngủ ban đêm dài bất bình thường, rất khó khăn để thức dậy vào mỗi buổi sáng khi có biểu hiện rối loạn định hướng khi tỉnh dậy, xuất hiện những cơn ngủ gà ban ngày.

Cắt đứt “giấc ngủ đông”

Khác với những dạng rối loạn ngủ nhiều khác, bệnh nhân có thể cưỡng lại được những cơn buồn ngủ. Bất cứ độ tuổi nào cũng có chứng ngủ rũ nhưng theo thống kê chứng ngủ rũ thường thấy ở nam giới tuổi mới lớn. ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh, phụ trách đơn vị rối loạn giấc ngủ BV Đại học Y dược TP.HCM cho biết, mỗi tháng đơn vị rối loạn giấc ngủ của BV nhận 2-3 trường hợp mắc bệnh ngủ rũ, trong đó có cả người lớn và trẻ em. Theo BS Hạnh, để chẩn đoán được bệnh này, những người bị nghi ngờ mắc bệnh ngủ rũ sẽ phải ngủ lại một đêm trong phòng lap của BV để đo đa ký giấc ngủ. Sáng hôm sau sẽ làm tiếp một test tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán cho người bệnh. Điều trị cơn ngủ gà ngủ gật và cơn ngủ rũ bằng các thuốc như: Modafinil, methylphemidate và ngủ. Giấc ngủ ban đêm và giấc ngủ trưa bệnh nhân không cảm thấy phục hồi được sức khỏe. Người mắc bệnh này nếu không được điều trị sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gia đình, công việc và những sinh hoạt cơ bản của con người. Nhiều người mắc bệnh này mà người thân không biết còn đánh giá người bệnh là lười biếng, trốn việc, thiếu ý chí. Cách quy chụp này càng làm ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh. Trong khi điều trị nội khoa, ngoài uống thuốc người bệnh còn phải tuân thủ các bài tập để giấc ngủ được hoàn hảo hơn. Khi có uống thuốc kèm theo người bệnh sẽ có 3-4 giờ tỉnh táo “cắt đứt” được những “giấc ngủ đông” không cần thiết. Như vậy, khi được điều trị đúng cách, bệnh sẽ ổn định và giảm từ từ thời gian ngủ rũ. Tuy phải mất một thời gian dài nhưng người ngủ rũ ổn định ở mức ngưng thuốc và khống chế được chứng ngủ rũ.

Có đến 70-80% số bệnh nhân được điều trị khống chế được bệnh nếu uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của BS. Sau 2-3 năm điều trị, người mắc chứng này không cần đến sự can thiệp của thuốc. Sau một đợt stress bệnh nhân cũng có thể bị tái phát. Khi đó, BS sẽ lên một kế hoạch điều trị mới. Theo nguyên cứu bệnh ngủ rũ liên quan đến di truyền con giống cha giống mẹ về tật ngủ nhiều và cả stress. Do đó cách phòng ngừa là phải có cuộc sống, tinh thần thoải mái làm việc điều độ tránh thức khuya, làm việc bất chừng.

Nguyễn Hoàng Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)