Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vai trò người mẹ với nhân cách của trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Ở Việt Nam hiện nay, chính đặc trưng tình cảm cũng như chức năng truyền thống của cha và mẹ sẽ quy định vai trò của họ với con cái. Trong đó, người mẹ luôn là người có chức năng quan trọng trong giai đoạn đầu cuộc đời của trẻ.

Người mẹ bao giờ cũng là người có công lớn nhất trong việc sinh thành và dưỡng dục con trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời (ảnh minh họa).Ảnh: I.T

Chưa có công trình trên thế giới nào nghiên cứu một cách cụ thể, chi tiết và khẳng định rõ rệt về mức độ ảnh hưởng của cha – mẹ đến con cái như thế nào. Nếu có chăng chỉ là một khía cạnh nhất định nào đó. Một số ý kiến cho rằng, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình được đặc trưng bởi khía cạnh tình cảm, người cha được xem là nghiêm khắc hơn, còn người mẹ tình cảm hơn trong quan hệ với con cái. Trách nhiệm của cha mẹ hiện nay còn phụ thuộc vào sự biến đổi về chức năng giữa cha và mẹ trong gia đình. Cũng có quan điểm cho rằng, ngày nay do sự biến đổi về cơ cấu kinh tế, nên chức năng giáo dục, chăm sóc con cái của người mẹ đã bị thay thế cho trách nhiệm của người cha. Họ đưa ra những khuôn hình như: Người cha xã hội, Người cha hành động, Người cha nghệ sĩ, Người cha phiêu lưu, Người cha trí tuệ, Người cha nhìn xa trông rộng, Người cha ổn định, Người cha lãnh đạo… để mục đích nhấn mạnh vai trò càng lớn của người cha trong gia đình. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể khẳng định ai lớn hơn ai trong xã hội này. Ở Việt Nam hiện nay, chính đặc trưng tình cảm cũng như chức năng truyền thống của cha và mẹ sẽ quy định vai trò của họ với con cái. Trong đó, người mẹ luôn là người có chức năng quan trọng trong giai đoạn đầu cuộc đời của trẻ. Thể hiện rõ rệt trên một số khía cạnh sau đây:

1. Sinh thành, dưỡng dục: Trong gia đình, người mẹ bao giờ cũng là người có công lớn nhất trong việc sinh thành và dưỡng dục con trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời. Chính điều này đã tác động mạnh mẽ đến đời sống tình cảm rất lớn của trẻ sau này. Khi đứa trẻ mới sinh ra, sự ảnh hưởng nhất chính là cảm xúc của cha mẹ, những động tác vuốt ve, ôm ấp, những lời ru ngọt ngào đều có tác dụng nâng đỡ tâm hồn non trẻ. Dù mới sinh ra nhưng tất cả những tác động của mẹ bao giờ cũng tạo ra phức hợp về cảm xúc. Đứa trẻ thực sự cảm thấy an toàn cho bản thân khi được mẹ ôm ấp vào lòng, bé sẽ có giấc ngủ ngon lành qua lời ru của mẹ, bé sẽ ôm chầm lấy mẹ khi mẹ…

2. Giáo dục cảm xúc, tình cảm: Cảm xúc, tình cảm của trẻ bao giờ cũng được hình thành và phát triển mạnh mẽ trong những năm tháng đầu đời. Đứa trẻ giàu cảm xúc hay nghèo nàn cảm xúc phần lớn do sự quan tâm, chăm sóc của mẹ. Ở giai đoạn từ 3-6 tuổi, thì định hình cảm xúc tương đối phát triển, tức là các em biết thể hiện cảm xúc và tỏ thái độ rõ rệt với những người xung quanh. Trong trường hợp, khi mẹ ít quan tâm, ít tạo cho các em biết thể hiện cảm xúc như yêu, thương, chán, ghét… thì đương nhiên làm cho các em trở nên thiếu cảm xúc, không biết bày tỏ, thậm chí là vô cảm. Khi quan sát một đứa trẻ chơi với bạn có khuôn mặt vui vẻ, phấn khởi thì thường là được sự quan tâm rất lớn từ mẹ. Còn khi một đứa trẻ mà biểu lộ thất thần cảm xúc, chán ngán với bạn bè thường xuyên thì có thể biết được mức độ ảnh hưởng của mẹ với con có vấn đề. Vì vậy, đời sống cảm xúc, tình cảm ở những năm đầu của cuộc đời có vai trò quan trọng, là cơ sở để hình thành những giá trị đạo đức, tính cách tốt đẹp.

3. Hình thành tính cách: Do mức độ tiếp xúc thường xuyên của mẹ cũng như sự quan tâm hàng ngày với con cái nên những nét tính cách đặc trưng thường ảnh hưởng nhiều hơn từ người mẹ. Trẻ có yêu lao động hay lười nhác, trẻ có biết quý trọng mọi người hay ghen ghét, trẻ có chăm chỉ hay lười biếng… đều phụ thuộc rất nhiều về tính cách của mẹ nhất là những lời nói, thói quen sống hàng ngày. Chính vì mức độ tiếp xúc, sự quan tâm của trẻ với mẹ thường xuyên hơn nên bao giờ tính cách cũng được hình thành rõ rệt từ mẹ hơn là người cha.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị trên thì việc người mẹ cũng khó mà định hình cho con về tính độc lập, tự chủ, phong cách cũng như đường hướng cuộc đời. Có thể nói, người mẹ thường hướng nội cho con nhiều hơn, còn việc hướng ngoại lại là vai trò của người cha. Dẫu sao, thiên chức của người mẹ cũng như vị thế xã hội ngày nay dù thế nào đi chăng nữa thì sự sinh thành, đời sống tình cảm, tính cách bao giờ cũng chịu sự tác động mạnh mẽ từ người mẹ.

Nguyễn Văn Công
(Giảng viên tâm lý học)

Bình luận (0)