Theo BS Trần Thị Anh Tường – Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Ung bướu TP.HCM thì chế độ ăn uống cho các bệnh nhân (BN) ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố: vị trí khối bướu, giai đoạn bệnh, phương pháp điều trị, tiên lượng bệnh, và các bệnh lý kết hợp. Nhưng nói chung, khi đang điều trị tích cực, dinh dưỡng nên đầy đủ, giàu năng lượng và chất đạm…
BS Trần Thị Anh Tường – Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Ung bướu TP.HCM |
PV: BS có thể cho biết chế độ dinh dưỡng đối với các bệnh nhân (BN) bị bệnh ung thư như thế nào cho hợp lý?
BS Trần Thị Anh Tường: Chế độ ăn uống cho các BN ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố: vị trí khối bướu, giai đoạn bệnh, phương pháp điều trị, tiên lượng bệnh, và các bệnh lý kết hợp. Nhưng nói chung, khi đang điều trị tích cực, dinh dưỡng nên đầy đủ, giàu năng lượng và chất đạm. Chế độ dinh dưỡng này nên duy trì trong suốt thời gian điều trị có thể kéo dài nhiều tháng. Sau khi khỏi bệnh, BN cần giữ chế độ ăn uống cân bằng, duy trì cân nặng lý tưởng, không để dư cân hay béo phì. Bữa ăn nên ưu thế chọn thực vật, đa dạng về màu sắc; chọn ngũ cốc nguyên hạt.
Đối với BN ung thư có nên ăn chay hoặc kiêng cữ các loại thịt đỏ như lời khuyên của một số người?
Giai đoạn phục hồi cần giữ cân bằng bằng cách ăn uống dựa vào thực vật là chủ yếu. Cụ thể mỗi khẩu phần ăn lượng rau củ và lượng trái cây chiếm phân nửa, phân nửa còn lại là nguồn thực phẩm cung cấp chất đạm và ngũ cốc. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, chúng ta nên hạn chế thịt đỏ ở mức 300 gram trong một tuần.
BS có ý kiến gì về quan niệm nên hạn chế ăn đồ bổ để bỏ đói các tế bào ung thư nhằm kìm hãm sự phát triển của chúng?
Không có thực phẩm nào chỉ “nuôi” cơ thể mà không “nuôi” bướu. Hay nói cách khác không thể “bỏ đói” bướu mà không “bỏ đói” người mang bướu. Hơn nữa, người mang bướu sẽ suy kiệt nhanh chóng khi bị “bỏ đói” trong khi bướu vẫn phát triển nhờ cơ chế sinh học riêng của nó. Đến một lúc nào đó người bệnh không đủ sức để tham gia điều trị bệnh, hay có điều trị cũng không đạt đủ 100% liều, vì thế hiệu quả điều trị sẽ kém hơn nhiều so với người bệnh được dinh dưỡng đầy đủ, được điều trị toàn vẹn. Hơn nữa, khi bị “bỏ đói”, biến chứng điều trị sẽ nhiều hơn do sức đề kháng suy giảm, kéo dài thời gian điều trị.
Nhiều người dùng thực phẩm chức năng như một cách để chữa bệnh ung thư?
Về thực phẩm chức năng (TPCN), trên thị trường có nhiều loại được cho là có thể điều trị khỏi căn bệnh ung thư. Tuy nhiên, hiện nay chưa có đủ chứng cứ lâm sàng chứng minh các loại TPCN có hiệu quả điều trị bệnh thực sự trên người. Kết quả nghiên cứu lâm sàng chỉ dừng ở mức độ TPCN có thể hỗ trợ điều trị ung thư bằng cách cải thiện chức năng miễn dịch, cải thiện tình trạng ăn uống ngon miệng, bổ sung vi chất mà người bệnh thường bị thiếu khi điều trị bệnh ung thư. Về ý kiến cá nhân, BN muốn sử dụng TPCN thì tùy theo khả năng kinh tế của mình, tùy theo vấn đề hiện có mà TPCN có thể giải quyết, và quan trọng vẫn là phải điều trị ung thư bằng các mô thức điều trị kinh điển: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị đã được chứng minh qua các thử nghiệm lâm sàng.
BS có thể nói rõ hơn về chế độ dinh dưỡng của từng phương thức điều trị dành cho các BN ung thư?
Về chế độ dinh dưỡng trong khi hóa trị: Khi hóa trị, BN thường có cảm giác buồn nôn, ói mửa, chán ăn vì thế nên chia làm nhiều bữa nhỏ để dễ tiêu, dễ hấp thu, và đạt đủ nhu cầu năng lượng trong ngày. Nên chọn thức ăn dễ tiêu, ít dầu mỡ, không mùi. Sau khi ăn cần vận động nhẹ để giúp tiêu hóa tốt thức ăn. Do BN ăn ít nên tranh thủ ăn mọi lúc mọi nơi kể cả khi chờ khám bệnh, chờ xe tàu, chọn thực phẩm giàu năng lượng để đảm bảo dưỡng chất và đủ năng lượng cho một ngày. Trong các loại gia vị, gừng là thực phẩm tốt giúp BN giảm nôn ói khi hóa trị. Vì thế nên ăn kẹo gừng, mứt gừng, uống trà gừng, nước gừng tươi, chế biến các món ăn có nêm gừng vào.
Thiếu máu, giảm bạch cầu sau hóa trị sẽ gây trì hoãn liệu trình hóa trị, BN cần tranh thủ bồi dưỡng ngay khi thấy khỏe, không nên kiêng cữ quá mức. Có như vậy mới đủ số lượng tế bào máu cho đợt hóa trị tiếp theo sau đó.
Còn khi xạ trị, thưa bác sĩ?
Giai đoạn xạ trị tùy theo vị trí xạ trị mà có những biến chứng khác nhau ảnh hưởng đến việc ăn uống. Nếu xạ trị phần đầu cổ BN hay khô miệng, lở miệng, mất vị giác, nuốt đau và khó. Cần chọn thực phẩm lỏng, dễ tiêu mềm mượt, lạnh để dễ nuốt. Không ăn cay nóng vì sẽ làm khó chịu những vùng niêm mạc bị tổn thương do xạ trị. Trường hợp nếu BN ăn không đủ phân nửa khẩu phần ăn so với thường ngày có thể đề nghị BS đặt ống thông mũi dạ dày để nuôi cho đủ năng lượng và các chất. Khi xạ trị vùng bụng, vùng chậu dễ bị biến chứng viêm đại tràng gây tiêu chảy, tiêu máu. Cần ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, hạn chế chất xơ không tan. Nên sử dụng hạt ngũ cốc nguyên hạt có nhiều chất xơ tan hỗ trợ niêm mạc ruột như gạo lứt, lúa mạch.
Ở giai đoạn cuối chắc chế độ dinh dưỡng không còn giống như 2 trường hợp trên?
Đúng vậy. Đây là thời kỳ BN không thể trị khỏi bệnh, dự sống ngắn, rất mệt mỏi, vì thế việc nuôi dưỡng BN chỉ mang tính chất cải thiện chất lượng sống, không mong muốn tăng cân hay đầy đủ các chất mà hầu như chỉ cần đủ nước, điện giải. BN nên ăn theo khả năng dung nạp của bản thân và sở thích. Việc truyền dịch cũng không thay đổi được sự sống còn của BN mà đôi khi làm tăng thêm chi phí điều trị và làm cho BN không được thoải mái sống những ngày cuối đời với những biến chứng của việc nuôi tĩnh mạch. Chỉ định dịch truyền nuôi dưỡng cơ thể lúc này dựa vào ý muốn của BN và thân nhân.
Xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều.
Phan Ngọc Quang (thực hiện)
Bình luận (0)