Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cải tạo nhà ở ven kênh rạch: Khuyến khích tư nhân tham gia

Tạp Chí Giáo Dục

Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ven kênh rạch trên địa bàn TP.HCM, nhiều hiến kế đã được đưa ra tại Hội thảo “Nhà ở trên kênh rạch TP.HCM, thực trạng và giải pháp” do Hội Kiến trúc sư TP.HCM tổ chức ngày 28-11.

Nhà “ổ chuột” trên rạch Văn Thánh (Q.Bình Thạnh). Ảnh: T.An

Trong điều kiện ngân sách TP.HCM đang giảm, mục tiêu hoàn thành chỉnh trang đô thị là không hề đơn giản. Chính vì thế, hiến kế của các chuyên gia đầu ngành kiến trúc và đô thị thời điểm này rất có giá trị. Theo GS.TS KTS Nguyễn Trọng Hòa, điều cần thiết nhất là chính quyền thành phố nên có một cơ chế thoáng, chính sách phù hợp để thu hút nhà đầu tư. Bên cạnh đó, với đặc thù kênh rạch tại một số quận, huyện, thành phố phải khai thác hết quỹ đất hai bên đường. Thực tế, lâu nay doanh nghiệp tư nhân ngại đổ vốn vào các dự án cải tạo kênh rạch là do quỹ đất thấp, không có lợi nhuận, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Nếu có một quỹ đất tương đối lớn, nhà đầu tư sẽ tiến hành đấu giá, lúc bấy giờ thời gian thu hồi vốn sẽ rút ngắn lại.

Ông Hòa dẫn chứng, dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ dẫn về KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) trước đây cũng thực hiện theo phương thức này. Theo đó, ngoài việc giải tỏa mặt đường, thành phố còn cho mở rộng thêm 75 mét sang hai bên thuộc hai xã Phước Kiển và Nhơn Đức, nhờ đó mà có được quỹ đất khoảng 90ha. Tổng số vốn bỏ ra cho dự án này là 429 tỷ nhưng số tiền đấu giá đất thu trên 466 tỷ.

Các khu nhà ven và trên kênh rạch tại TP.HCM có thể thực hiện theo mô hình này như kênh Tẻ, kênh Đôi, kênh Tân Hóa – Lò Gốm… Trước đó, ông Trần Trọng Tuấn (Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết sẽ di dời khoảng 2.000 căn nhà trên và ven kênh rạch trong năm 2016. Trong đó tập trung tại các quận 1, 4, 5, 6 7, 8, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Tân, Tân Phú…

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đồng tình việc thực hiện chỉnh trang đô thị, đặc biệt đối với các dự án kênh rạch theo mô hình này bởi thành phố không phải tốn kém tiền ngân sách. TP.HCM cho phép các doanh nghiệp tư nhân khai thác diện tích mặt nước cũng như trên bờ kênh để kinh doanh các tụ điểm ăn uống, giải trí cũng là giải pháp để thu hút đầu tư cải tạo nhà ở kênh rạch. Thành phố cũng cần xem xét, cho phép các nhà đầu tư sáng tạo trong chỉnh trang đô thị phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Một nguyên nhân nữa khiến các nhà đầu tư không “mặn” khi tham gia dự án này là do quỹ đất dôi dư rất thấp sau quy hoạch. Theo KTS Ngô Viết Sơn Nam, sử dụng đất làm hành lang bờ kênh quá nhiều, trong khi đó đây là những vị trí đất nền tốt, có thể cho thuê kinh doanh với nhiều hình thức. Cụ thể, theo quy định, hành lang bảo vệ tại các dự án quy định phải từ 20-30m, đây là quỹ đất đáng lý phải sinh lời thì lại bị “chết”, gây lãng phí.

TS. Lê Văn Thương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cho rằng, dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chỉ đạt hiệu quả về mặt cảnh quan, riêng hiệu quả về kinh tế thì chưa có. “Không gian trên mặt nước kênh có thể cho thuê để kinh doanh các loại hình dịch vụ”, TS. Thương nói.

Từ hiến kế của các chuyên gia, ông Trần Trọng Tuấn cho biết, thời gian tới Sở Xây dựng TP sẽ phối hợp với Sở Quy hoạch kiến trúc đặt hàng các cá nhân, đơn vị để chọn những giải pháp tốt nhất, phù hợp với điều kiện của thành phố hiện tại.

Tuy An

Bình luận (0)