TS Duy Hương cảnh báo, trẻ ngủ không đủ giấc, ngủ không sâu sẽ ảnh hưởng đến tính cách và hành vi về sau như: dễ bứt rứt, giảm khả năng học tập, khó tiếp thu ngôn ngữ, nhất là khi trẻ học tiếng Anh…
Trẻ em châu Á (trong đó có Việt Nam) đi ngủ trễ hơn trẻ em châu Âu, thời gian cần thiết để ngủ ban đêm trung bình của nhóm trẻ châu Á ít hơn nhóm trẻ châu Âu. Đây là ghi nhận từ khảo sát của Hiệp hội Giấc ngủ trẻ em châu Á – Thái Bình Dương với hơn 29.000 trẻ từ 0-36 tháng tuổi ở 17 quốc gia và vùng lãnh thổ.
TS-BS Huỳnh Thị Duy Hương – Phó chủ tịch Hội Chu sinh & Sơ sinh TP.HCM dẫn thông tin này tại buổi “Khuyến nghị chu trình giúp trẻ ngủ ngon” tổ chức chiều 26/11 ở TP.HCM. TS Duy Hương cảnh báo, trẻ ngủ không đủ giấc, ngủ không sâu sẽ ảnh hưởng đến tính cách và hành vi về sau như: dễ bứt rứt, giảm khả năng học tập, khó tiếp thu ngôn ngữ, nhất là khi trẻ học tiếng Anh, giảm khả năng ghi nhớ, rối loạn trao đổi chất và miễn dịch, có xu hướng khó chịu, tăng động.
Ảnh minh họa. |
TS Duy Hương cũng cho biết, nếu trẻ đi ngủ trước 21g sẽ ngủ được nhiều hơn trung bình một giờ so với trẻ ngủ sau 21g. Việc cho trẻ tự học cách đi vào giấc ngủ một mình mà không cần cha mẹ xung quanh vỗ về thì trẻ sẽ ít thức dậy giữa đêm hơn. Do đó, cha mẹ cần tạo cảm giác yên tĩnh, thay đổi các thói quen sinh hoạt để giúp trẻ ngủ tốt hơn. Nếu thực hiện đúng chu trình giấc ngủ, trẻ sẽ đi vào giấc ngủ nhanh hơn 37%, số lần thức giấc ít hơn 38%, thời gian thức giấc giữa khuya ít hơn 32%…
Thanh Khê/ PNO
Bình luận (0)