Đó là khẳng định của lãnh đạo TP.HCM tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM diễn ra trong hai ngày 30-11 và 1-12.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: Q.Huy |
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết: Kinh tế TP tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 1.037.625 tỷ đồng, tăng 8,05% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,72%), hoàn thành kế hoạch cả năm đạt 8-8,5%. Trong đó, thu ngân sách thực hiện 303.816 tỷ đồng, đạt 101,85% dự toán, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội đạt 310,250 tỷ đồng, chiếm 30% GRDP; đưa vào sử dụng 111 công trình với tổng kinh phí 19.815 tỷ đồng, góp phần giải quyết nhu cầu dân sinh. Tình hình đầu tư trong nước có chuyển biến tích cực, có 36.000 doanh nghiệp thành lập mới, tính chung vốn đăng ký và bổ sung đạt 496.572 tỷ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ. Công tác quản lý chỉnh trang đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp nước sạch nhân dân được quan tâm thực hiện. Chất lượng khám chữa bệnh và giảm tải bệnh viện được cải thiện, chất lượng GD-ĐT được nâng cao…
Giải đáp những trăn trở của đại biểu về tình hình ngân sách đang khó khăn làm như thế nào để đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo tốt cho người dân; bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP – cho biết: Những khoản chi về an sinh xã hội là phải bảo đảm, không cắt giảm dù ngân sách có khó khăn. Với những khoản về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà doanh nghiệp phải nộp cho người lao động, phải tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm, thậm chí khởi kiện những doanh nghiệp ra tòa chây ỳ…
Đặc biệt, “Không được để bất cứ học sinh nào nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn. Muốn làm được việc này, các cấp, ngành, đoàn thể phải thực sự sâu sát từ cấp địa phương để tìm cách giải quyết”, bà Thu nói.
Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế – văn hóa – xã hội năm 2017: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn TP tăng 8,4-8,7%; tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP từ 36% trở lên; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 35% GRDP; thành lập mới 50.000 doanh nghiệp; thu ngân sách đạt 100% dự toán; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2016-2020 giảm 1,2%; tạo việc làm mới cho 125.000 lao động; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề đạt 77,5%; tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%; diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 8 triệu m2; diện tích nhà ở bình quân đầu người 18,37m2/người; tỷ lệ phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) là 264 phòng; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 17 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 42 giường; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ xử lý nước thải y tế đạt 100%; tỷ lệ xử lý nước thải công nghiệp đạt 90%; phấn đấu trong 5 nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR – index). |
Về vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Dù khó khăn cỡ nào cũng phải đảm bảo tỷ lệ đầu tư cho văn hóa, giáo dục và an sinh xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế hạ tầng phải ưu tiên cho 7 chương trình đột phá mà Thành ủy đã thông qua”.
Về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2017, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng chỉ đạo: Tổ chức quán triệt, xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017; một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TP. Đồng thời, khẩn trương triển khai, cụ thể hóa các giải pháp thực hiện 7 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TP với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể từng năm, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện và theo dõi, kiểm tra, giám sát hiệu quả việc tổ chức thực hiện. Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả, quyết tâm tạo chuyển biến rõ rệt tình trạng ùn tắc giao thông, xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống tội phạm, cháy nổ, ngập nước; thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị. Khẩn trương hoàn thành xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đột phá để TP phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm đối với vùng và cả nước thực hiện Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020…”.
Lê Quang Huy
Bình luận (0)