Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tiếp tục đề xuất bỏ điểm sàn CĐ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Không nên áp dụng điểm sàn CĐ là điều được nhiều trường tập trung đề xuất khi tiếp tục góp ý cho Dự thảo quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ TC, CĐ mà Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố.

Nhiều trường CĐ hiện không tán thành việc dự kiến áp dụng điểm sàn CĐ trong kỳ tuyển sinh tới. Trong ảnh: Thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: M.T

Trước đây, trong tuyển sinh đối với trình độ ĐH và CĐ, Bộ GD-ĐT có quy định điểm sàn. Năm 2016, quy định điểm sàn CĐ được gỡ bỏ, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT đã được đăng ký xét tuyển. Năm tới đây, điểm sàn dự kiến được Bộ LĐ-TB&XH áp dụng trở lại trong tuyển sinh CĐ và hiện có nhiều ý kiến không tán thành từ phía các trường.

Quy định mới, không nên trở lại cái… cũ

Ông Nguyễn Duy Tiến (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex TP.HCM) cho rằng, dự thảo mới về tuyển sinh mà quay lại những quy định cũ, trong đó bao gồm cả những hạn chế của cái cũ thì không nên. “Bộ GD-ĐT năm ngoái đã bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, giờ áp dụng trở lại thì không hợp lý lắm. Ngưỡng đầu vào tối thiểu nên là tốt nghiệp THPT”, ông Tiến nói.

Bởi theo ông Tiến, năm trước, trong khi đã bỏ điểm sàn CĐ mà các trường vẫn tuyển sinh trầy trật, nay quay lại có thể sẽ gây khó khăn hơn nữa.

Cùng quan điểm, TS. Võ Văn Tiến Dũng (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn) đề nghị dự thảo chỉ nên quy định cứng về đối tượng tuyển sinh, còn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho phép các trường căn cứ vào hồ sơ đăng ký dự tuyển và đặc trưng của từng ngành nghề đào tạo của mình để chủ động xác định. Bên cạnh đó, ông Dũng nhận định, nếu các đợt tuyển sinh được diễn ra quá nhiều lần trong năm thì khó đảm bảo chất lượng nguồn tuyển và ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của các trường.

ThS. Phạm Thái Sơn (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho rằng, năm nay Bộ LĐ-TB&XH nên giữ nguyên hình thức tuyển sinh tương tự như Bộ GD-ĐT quy định đối với bậc CĐ năm ngoái. Các trường đào tạo theo tín chỉ sẽ không mặn mà đối với việc tuyển sinh quanh năm vì nếu tổ chức quá nhiều đợt tuyển sinh trong năm sẽ ảnh hưởng đến khâu tổ chức đào tạo.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Tiến cũng đề cập, việc xét tuyển được diễn ra quanh năm, nhưng nguồn tuyển của nhiều trường CĐ vẫn chỉ chủ yếu từ sau kỳ thi THPT quốc gia. Mặc dù dự thảo cho phép mở rộng xét tuyển quanh năm nhưng số lượng thí sinh tham gia xét tuyển từ tháng 1 đến tháng 6 hầu như không có. Lượng thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước tham gia xét học bạ vào các tháng này chỉ lác đác. Do vậy, trước những thay đổi dự kiến của tình hình tuyển sinh 2017, nhà trường vẫn sẽ giữ ổn định khâu tuyển sinh như năm 2016 (tổ hợp môn, kỹ thuật xét tuyển) để tránh xáo trộn.

Ngoài ra, ông Tiến cho rằng, khi cho thí sinh đăng ký xét 4 ngành vào một trường thì chính các trường CĐ sẽ đối mặt với lượng hồ sơ “ảo” lớn. Nên cho các em đăng ký 2 ngành thôi, nhiều lựa chọn quá có thể dẫn đến việc thí sinh trúng tuyển các ngành không phù hợp sở thích. Việc rút hồ sơ chuyển đổi nguyện vọng trong quá trình xét tuyển cũng không nên áp dụng, thay vào đó, cần định hướng cho học sinh ngay từ đầu trong chọn ngành nghề, rút ra nộp vào nhiều sẽ gây xáo trộn.

Trường ĐH tuyển sinh CĐ: Vận hành 2 hệ thống

ThS. Phạm Thái Sơn (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho hay, năm nay trường sẽ tuyển sinh 500 chỉ tiêu hệ CĐ. Và như thế, trường sẽ thực hiện cùng lúc 2 hệ thống tuyển sinh, trong đó, bậc ĐH sẽ tuyển sinh theo phương thức do Bộ GD-ĐT quy định, bậc CĐ sẽ theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH. Hai sẽ vất vả hơn một, tuy nhiên, ông Sơn cũng chỉ ra, dự thảo tuyển sinh mới của Bộ LĐ-TB&XH có nhiều quy định gần với cách thức tuyển sinh do Bộ GD-ĐT thực hiện trước đây mà trường cũng đã quen vận hành. Vấn đề nhà trường còn băn khoăn nằm ở chỗ trong bối cảnh mới như vậy, đối với hệ CĐ tại trường, bằng cấp sẽ được cấp như thế nào, chương trình đào tạo và việc quản lý sẽ ra sao…

“Trong tuyển sinh trước đây, cùng với ĐH, bậc CĐ có quy định điểm sàn. Tuy nhiên, năm 2016, với quy định mới, thí sinh tốt nghiệp THPT đã đủ điều kiện xét tuyển vào CĐ, tương tự như hệ đào tạo nghề. Điều này đã vừa vặn với tình hình tuyển sinh chung cho cả hệ CĐ và CĐ nghề”, ông Sơn nói.

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)