90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) là một trong 3 mục tiêu 90-90-90 của công tác phòng chống HIV/ AIDS. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Bộ Y tế, 95% thuốc ARV ở nước ta do các tổ chức quốc tế chỉ tài trợ đến năm 2017. Đây chính là bài toán khó cho công tác phòng và chữa bệnh cho những người đang bị nhiễm HIV trong thời gian trước mắt.
Cán bộ y tế khám sức khỏe cho bệnh nhân HIV/AIDS |
Chữa bệnh bằng thuốc kháng virus ARV
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay có hơn 36 triệu người nhiễm HIV còn sống và khoảng 40 triệu người đã chết vì AIDS kể từ khi căn bệnh được phát hiện. Việt Nam là quốc gia có số người nhiễm HIV đứng thứ 5 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với gần 230 ngàn người nhiễm HIV còn sống và xấp xỉ 90 ngàn người chết vì AIDS.
Hiện nay mục tiêu 90-90-90 đang cần sự hưởng ứng của các cấp các ngành trong đó ngành y tế có vai trò chủ đạo. Đó là mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp. Muốn vậy các địa phương trong cả nước phải thực hiện tốt phương châm “ba không”. Đó là, không còn người nhiễm mới, không còn người chết do AIDS, không còn bệnh nhân HIV/AIDS bị phân biệt đối xử. Vì thế yêu cầu cần có sự hỗ trợ của gia đình, xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội.
Cũng theo tổng kết của ngành y tế tại Hội nghị triển khai Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ về quy định việc thanh toán thuốc kháng virus (ARV), hiện nay tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) bình quân chỉ đạt khoảng 40%. Điều đó có nghĩa là chỉ bằng 1/2 so với mức 79% tỷ lệ người dân nói chung của cả nước có thẻ BHYT.
Người nhiễm HIV cần chủ động tham gia BHYT để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của mình một cách lâu dài và bền vững. Bên cạnh đó cần có sự tuyên truyền, động viên của các cấp các ngành và chính quyền địa phương để người bị nhiễm HIV tự nguyện tham gia BHYT khám và chữa bệnh mà không bị kỳ thị, phân biệt. |
Rõ ràng chủ trương của Chính phủ về việc mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng virus HIV là quyết định kịp thời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV được tiếp cận khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Bộ Y tế cũng chỉ rõ một số khó khăn khi tỷ lệ tiếp cận BHYT của người nhiễm HIV thấp do người nhiễm HIV phần lớn là người nghèo, nhưng không được hưởng chính sách hộ nghèo do thường xuyên đi làm ăn xa, không đủ tiền hoặc có tiền nhưng thiếu giấy tờ hợp lệ để mua BHYT. Có người lại sợ bị phân biệt, kỳ thị nhất là những người vi phạm pháp luật sợ lộ danh tính khi sử dụng thẻ BHYT để chữa bệnh. Thời gian qua do người nhiễm HIV được điều trị ARV miễn phí nên chưa thấy sự cần thiết của BHYT.
Lợi ích khi tham gia BHYT
BS Vũ Đình Sơn – Trưởng phòng Y tế (Sở Lao động – Thương binh & Xã hội TP.HCM) cho biết, hiện nay 95% kinh phí mua thuốc kháng virus (ARV) để điều trị cho người nhiễm HIV ở Việt Nam là do các tổ chức quốc tế tài trợ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nguồn lực này sẽ bị cắt giảm nhanh và chưa có bất kỳ tổ chức nào cam kết hỗ trợ Việt Nam sau năm 2017. Bộ Y tế đã xác định giải pháp trước mắt trình Chính phủ bổ sung kinh phí nhằm bù đắp sự thiếu hụt kinh phí cho mua thuốc ARV khi các tổ chức quốc tế rút dần tài trợ. Tuy nhiên giải pháp lâu dài và bền vững cho điều trị ARV là thanh toán điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, bao gồm cả tiền thuốc ARV thông qua BHYT. Đây là cách làm tích cực và nhân đạo nhất. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước chỉ có 100 tỷ đồng cho ARV và dành cấp thuốc ARV cho các đối tượng ưu tiên theo luật. Trong khi đó, chi phí điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS lại rất lớn và thời gian kéo dài.
Gần đây Bộ Y tế đã tổ chức triển khai Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thanh toán thuốc kháng virus HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng virus HIV. Trong đó, dự kiến, năm 2017 bắt đầu thực hiện chi trả thuốc ARV từ nguồn BHYT chiếm khoảng 15% số người bệnh và tăng dần trong những năm tiếp theo, phấn đấu đạt 70% số người bệnh điều trị HIV/AIDS được thanh toán qua BHYT vào năm 2020. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV, theo quy định hiện nay, nếu người nhiễm HIV đã tham gia BHYT thì vẫn tiếp tục được tham gia BHYT mà không cần phải tham gia theo cả hộ gia đình. Khi người nhiễm HIV/AIDS chuyển điều trị ở tuyến cao hơn thì chỉ cần giấy chuyển tuyến 1 lần và có giá trị sử dụng đến hết năm.
Bài, ảnh: Quang Phan
Bình luận (0)